Tuổi “ương ương” là cách người lớn gọi con trẻ khi chúng ở vào tuổi vị thành niên. Các nhà tâm lý học giải thích, vị thành niên là lứa tuổi lưng chừng, không phải trẻ con nhưng chưa là người lớn. Sự phát triển về sinh lý dẫn đến những thay đổi về tâm lý.
Trong tâm hồn bọn trẻ xuất hiện những mâu thuẫn dằng dai, đối nghịch giữa suy nghĩ và hành động, giữa những ngây thơ tất yếu của một đứa trẻ với cái cách muốn tỏ ra là người lớn. Lúc này, các ông bố bà mẹ thường có hai khuynh hướng đối nghịch: hoặc là vẫn coi con cái là những đứa trẻ non nớt, luôn cần phải bao bọc và ấp ủ; hoặc ngược lại, cho rằng chúng đã lớn, đã có thể tự quyết định mọi việc theo ý mình, cứ để mặc chúng tự do và tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Cả hai cách này đều có thể đưa đến những hậu quả không hay. Với cách thứ nhất, chúng ta đã triệt tiêu bản năng tự khẳng định mình của con cái, khiến chúng ỷ lại và lười biếng. Thanh, con gái chị Bích năm đó đã học lớp 10 nhưng mỗi buổi sáng mẹ vẫn phải đánh thức con dậy. Trong khi Thanh đánh răng rửa mặt thì chị Bích xếp chăn màn. Thanh ăn sáng, chị Bích kiểm tra thời khóa biểu để sắp xếp sách vở vào cặp. Sau đó, chồng chị sẽ có nhiệm vụ đưa đón “công chúa” đi học.
Đôi khi nhìn các bạn khác được đi xe đạp ríu rít chờ nhau cùng về, Thanh nói ba mẹ để mình tự đi nhưng chị Bích nhăn mặt: “Xe cộ nghìn nghịt thế kia, làm sao mà đi được”. Với tâm lý sợ hãi khi ra ngoài đường nên cô bé chẳng bao giờ dám đi đâu một mình. Thỉnh thoảng, bạn bè rủ Thanh đi chơi đều phải đưa Thanh về nhà vì Thanh không biết đường. Không phải chỉ một lần, tôi nghe Thanh nói với con gái tôi là suốt ngày ru rú trong nhà chán quá nhưng ra đường lại sợ xe cộ… Anh Tấn cùng cơ quan tôi thì có suy nghĩ ngược lại. Ngày xưa, anh học trường nội trú, phải tự lập từ nhỏ. “Vậy mà anh cũng lớn lên, cũng ăn học đàng hoàng, có việc làm tử tế…”. Anh hay nói với vợ như vậy mỗi khi chị trách anh chỉ mải lo bù khú với bạn bè, chẳng chú ý gì đến con cái. Hai đứa con trai sinh đôi của anh được bố “thả” cho thoải mái nên muốn làm gì thì làm. Câu cửa miệng anh Tấn hay nói với các con là: “Bằng tuổi con ngày xưa, ba đã phải quyết định mọi việc, có ai lo giùm đâu? Các con lớn rồi, phải tự lo cho cuộc đời mình”. Việc học của chúng cũng vậy, anh chỉ dặn: “Các con muốn giàu có, sung sướng thì ráng mà học để có bằng cấp, có nghề nuôi thân. Không học ham chơi thì sau này có khổ cũng đừng trách ba mẹ không bảo trước”. Giáo huấn như thế, anh nghĩ là đủ. Vậy là bọn trẻ muốn đi chơi lúc nào thì đi, về lúc nào thì về. Đứa nào cũng mới lớp 7 đã bắt đầu phì phèo thuốc lá. Nghe vợ than phiền, anh rít một hơi, phả khói, cười: “Ngày xưa ba chúng nó còn hút sớm hơn nữa kia, có sao đâu!”. Sáng, anh cho mỗi đứa 10.000 đồng ăn sáng. Chúng chỉ ăn xôi 5.000, còn lại để dành chơi game. Biết vậy anh Tấn còn buông một câu: “Tính toán thế cũng được”. Thế là, ngoài giờ đến trường, hai đứa cứ rủ nhau ngồi quán net, chẳng lo học hành. Thậm chí, lúc không có tiền, chúng còn bàn nhau lén lấy tiền của mẹ. Hậu quả là hai đứa đều lưu ban, không qua nổi năm lớp 8.
Theo các nhà tâm lý, các bậc phụ huynh hãy cố gắng “làm quen”, thậm chí “chịu đựng” những “trở chứng” của con cái trong giai đoạn tuổi vị thành niên. Ví dụ, nếu con trở nên xa cách, không thích tâm tình với mẹ, đừng để ý, cứ “vô tư” nói chuyện, lặng lẽ chăm sóc con. Những khi chúng cáu kỉnh, cằn nhằn…, mẹ hãy làm như không nghe thấy. Đợi lúc bọn trẻ bình tĩnh hơn, hãy từ tốn nhắc nhở, khuyên dạy. Với con trai, người cha nên dành thời gian trò chuyện, tâm tình “như hai người đàn ông”, để chúng có thể chia sẻ những thắc mắc đầu đời. Tuyệt đối không bao giờ can thiệp quá sâu hoặc thô bạo vào đời sống vật chất, tinh thần riêng tư của trẻ. Tuy nhiên, cũng không nên bỏ mặc con cái “tự thân vận động”, mặc kệ chúng tìm cách vượt qua cái tuổi “ương ương” này.
(Phunuonline)