Cùng với nhiều chính sách trợ giúp cho người nghèo, chính sách dạy nghề, Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân (trung tâm) triển khai tốt công tác tạo việc làm để người nghèo ổn định thu nhập. Qua đó, người nghèo được thay đổi đời sống vật chất và tinh thần.
Người dân được học nghề mây, tre đan miễn phí - Ảnh: K.CHI |
Những ngày này, tranh thủ lúc nông nhàn, trung tâm mở 2 lớp dạy nghề mây, tre đan cho bà con nông dân tại 2 xã Xuân Phước và Xuân Quang 2. Gần 300 người nghèo, nông dân ở các xã tham gia học. Ông Đỗ Đức Tánh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo, nông dân không có việc làm được học nghề, thời gian qua trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn mở các lớp mây, tre đan để dạy cho bà con, giúp họ có nghề. Thông qua các lớp đào tạo nghề miễn phí này, không ít lao động nghèo ở nông thôn trên địa bàn huyện Đồng Xuân có thêm việc làm, giảm bớt phần nào khó khăn và nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Ngoài lớp mây, tre đan, năm 2012, trung tâm còn tổ chức đào tạo được nhiều ngành nghề đa dạng cho hơn 500 người. Họ tự lựa chọn nghề để học phù hợp với khả năng và sở thích của mình như: kỹ thuật chế biến món ăn; may công nghiệp; cơ khí hàn; mây, tre đan; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật sửa chữa điện dân dụng...
Tại lớp mây, tre đan, nhiều lao động đã rất vui mừng khi lần đầu tiên được học nghề miễn phí, có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Chị Đỗ Thị Nghiêm (thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước) nói: “Mấy tháng liền tui học đan giỏ, giờ chuẩn bị thi tốt nghiệp. Lúc mới học tui thấy khó quá tưởng không làm được, nhưng dần dần cũng quen”. Cẩn thận để làm ra chiếc giỏ bằng mây, chị Võ Thị Liên cho biết đó là “sản phẩm đầu tay” của chị sau 3 tháng học nghề. Chị thổ lộ: “Nhà có bốn người nhưng cũng chỉ sống dựa vào vài sào ruộng. Lúa làm ra chẳng được bao nhiêu nên suốt mấy năm qua gia đình cứ rơi vào cảnh khốn khó. Khi được thông báo có lớp học cho hộ nghèo, tôi đăng ký, sắp xếp công việc nhà để tham gia. Lần này, được học nghề miễn phí, tôi rất mừng nên học tập chăm chỉ. Học nghề xong, tôi hy vọng sẽ có thêm thu nhập lúc nông nhàn”.
Ông Đỗ Đức Tánh cho biết: Chúng tôi mở lớp sản xuất hàng mây, tre đan này ngay tại các xã để tạo điều kiện cho bà con có cơ hội tham gia học nghề, gần nhà, không tốn thời gian đi lại nên chất lượng học khá tốt. Sau gần 3 tháng học nghề, các anh, chị đã khá thạo nghề và làm được nhiều sản phẩm. Sau khi học xong, các anh chị có thể tham gia sản xuất ở các cơ sở nghề, nhận nguyên liệu từ doanh nghiệp về nhà làm, kiếm thêm thu nhập. Để đáp ứng nhu cầu học nghề cho bà con nghèo ở các vùng nông thôn, ngoài việc đào tạo tại chỗ, chúng tôi đã xuống tận các thôn, buôn để tư vấn về học nghề phù hợp với độ tuổi, nhu cầu của người lao động, vừa phù hợp với trình độ nhận thức, vừa phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động. Đồng thời, trung tâm còn tạo ra mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, nhằm giúp cho người lao động thuận lợi trong việc nhận hàng làm gia công tại gia, được làm việc tại các doanh nghiệp có thêm thu nhập kinh tế gia đình. Những năm gần đây, số lao động nông thôn tham gia học nghề ngày càng tăng, và khoảng 80% lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định.
Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục khai thác và kết hợp các hình thức đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình.
KIM CHI