Ngày 23/11, tại Bảo tàng Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng cùng UBND huyện Hoàng Sa đã tiếp nhận 95 tấm bản đồ, tạp chí và Atlas địa lý do anh Trần Thắng, một Việt kiều tại Mỹ, tổ chức sưu tầm, mua lại từ những chủ sở hữu ở nhiều quốc gia khác nhau trao tặng.
|
Tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ Trung Quốc 1904 chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa không thuộc Trung Quốc được công bố thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân - Ảnh: Internet |
Trong số tài liệu vừa tiếp nhận có 12 tấm bản đồ về lãnh thổ Việt Nam, năm bản đồ hàng hải khu vực châu Á... Những tài liệu này đều do các nước phương Tây xuất bản từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20. Trong tất cả tài liệu này, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đều không được đánh dấu là một địa danh hay đơn vị hành chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Ngay như cuốn Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản 1933), Trung Hoa địa đồ (1908), tạp chí địa lý và tạp chí khoáng sản (1882 và 1886) chú thích bằng tiếng Trung Quốc cũng không có sự xuất hiện địa danh Hoàng Sa. Ranh giới phía đông nam của Trung Hoa thời đó chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam thuộc tỉnh Quảng Đông.
Theo TTO