Ngộ độc vệ sinh thực phẩm luôn là nỗi lo đối với người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ - những người trực tiếp chăm lo bữa ăn gia đình. Trước thông tin các loại thực phẩm kém chất lượng, không được kiểm soát về nguồn gốc đang được bày bán tràn lan trên thị trường khiến rất nhiều người trong số họ hoang mang không biết lựa chọn thực phẩm thế nào để có thể bảo đảm sức khỏe cho những người thân trong gia đình.
Nhiều bà nội trợ băn khoăn khi chọn mua các thực phẩm tươi sống ở chợ - Ảnh: N.DUNG
Trước thông tin dịch heo tai xanh ở Phú Yên, rồi các loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc chứa nhiều hóa chất độc hại, các loại rau xanh với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng an toàn… khiến những bà nội trợ hết sức bất an. Chị Nguyễn Thị Hải ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cho hay: “Hơn một tháng nay, tôi đi chợ không dám mua thịt heo vì sợ mua nhầm thịt heo bệnh. Dù các bà bán hàng có khẳng định thịt heo đã được kiểm dịch đàng hoàng, nhưng tôi vẫn ngại, nhất là gần đây báo chí đưa tin một số cán bộ thú y “nhắm mắt làm ngơ” nhập heo bệnh vào lò giết mổ và đóng dấu kiểm dịch đưa ra thị trường như thường. Ai mà dám tin nữa…”.
Chị Hải nói rằng nỗi lo ngại của chị không dừng ở thịt heo mà ngay cả việc mua cá biển cũng khiến chị lo ngay ngáy. Nỗi lo của chị Hải không phải là không có cơ sở, nếu làm một cuộc “thị sát” nho nhỏ dạo quanh các hàng cá ở các chợ phường 9, Tân Hiệp, chợ TP Tuy Hòa… người ta sẽ nhìn thấy các thùng, xô đựng cá đều chứa nước lẫn một ít đá. “Vấn đề” là ở các thùng, xô đựng cá. Mặc dù người bán cá nào cũng khẳng định đó là nước đá để giữ cá được tươi lâu, nhưng điều mà chị Hải cũng như phần đông các bà nội trợ nghi ngại “có phải là nước đá nguyên chất để ướp cá hay là nó có cả phân đạm urê trong đó”. Bởi chất này khi thấm vào cá sẽ giữ được cá cứng và tươi lâu hơn, nhưng lại vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng vì lợi nhuận mà rất nhiều người bán hàng đã không quan tâm đến việc này, trong khi hiện nay các cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát cũng như chưa có những chế tài cần thiết đối với những người kinh doanh, nhất là với nhiều thị trường trôi nổi như hiện nay.
Nào đã hết nỗi lo đè nặng trong lòng của các bà, các chị, vì bên cạnh các thực phẩm tươi sống mất an toàn thì trước thông tin các loại rau xanh như rau sống, rau muống, rau cải các loại, đậu đỗ, khổ qua… hay các loại trái cây bị tẩm chất bảo quản độc hại tràn ngập ở các chợ, khiến họ mất ăn mất ngủ. Chị Lê Thị Nga ở phường 5 (TP Tuy Hòa) tâm sự: “Giữa thời buổi thực phẩm
không rõ nguồn gốc, mất an toàn và không phải người bán hàng nào cũng có lương tâm, tôi chọn giải pháp mua thực phẩm ở những người quen mà mình tin tưởng. Bây giờ, tôi thường mua cá đồng thay vì mua cá biển như trước đây. Nếu muốn ăn cá biển, tôi nhờ người bà con xuống cảng cá phường 6 để mua. Còn với thịt heo, rau xanh, trái cây thì mua ở siêu thị. Tôi nghĩ vì thương hiệu và uy tín với khách hàng, siêu thị sẽ chọn mua những mặt hàng đảm bảo chất lượng hơn. Tuy giá cả ở siêu thị có hơi đắt hơn ở ngoài chợ, nhưng tất cả là vì sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình”.
Thực tế cho thấy, hiện nay các vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm tại Phú Yên vẫn ở mức cao. Để góp phần hạn chế phần nào tình trạng này, bà Đặng Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN chợ TP Tuy Hòa nói rằng: “Thời gian qua, Hội LHPN chợ TP Tuy Hòa luôn tích cực vận động các nữ tiểu thương kinh doanh buôn bán ở chợ tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm như “Tiểu thương nói không với phụ gia không an toàn”. Đồng thời, kêu gọi chị em nâng cao ý thức trách nhiệm, lương tâm của người sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm. Để từ đó cung cấp những thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng”. Nói về cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Trưởng ban Gia đình - xã hội Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Phương Nam, cho biết: “Hưởng ứng cuộc vận động này, những năm gần đây các cấp Hội phụ nữ luôn tích cực tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh không sử dụng và chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng. Đồng thời, tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình về an toàn vệ sinh thực phẩm… để góp phần hạn chế phần nào đó tình trạng ngộ độc vệ sinh thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng như hiện nay.
NGỌC QUỲNH