Thứ Tư, 09/10/2024 11:30 SA
Hiệu quả từ các mô hình truyền thông trực tiếp
Thứ Sáu, 16/11/2012 14:00 CH

Trong khuôn khổ liên hoan Tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực miền Trung vừa diễn ra tại Phú Yên, vấn đề chính được đại biểu 17 tỉnh trong khu vực quan tâm và hướng đến là hiệu quả từ các mô hình truyền thông trực tiếp đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).

 

hoi-thao121116.jpg

Đoàn Phú Yên diễn kịch tương tác tại hội thảo Nâng cao chất lượng tuyên truyền viên cơ sở khu vực miền Trung - Ảnh: T.DIỆU

KẾT QUẢ KHẢ QUAN

 

Trong giai đoạn 2009-2011, Tổng cục DS-KHHGĐ đã triển khai nhiều mô hình truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở trong chương trình mục tiêu dân số quốc gia. Tổng cục DS-KHHGĐ hướng đến ba nhóm đối tượng đích. Đối với các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) được truyền thông dựa trên hai mô hình: thăm và tư vấn tại hộ gia đình, truyền thông nhóm nhỏ; lồng ghép với các cuộc họp của chính quyền, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) đoàn thể. Nhóm vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) tập trung ba mô hình: tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; sinh hoạt ngoại khóa trong nhà trường. Nhóm người cao tuổi đang trong quá trình xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình truyền thông trực tiếp.

 

Tổng cục DS-KHHGĐ đã thông báo kết quả khả quan về quá trình triển khai các mô hình truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở khu vực miền Trung tại hội thảo về chủ đề này. Theo đó, từ mô hình truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở dành cho các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới trong độ tuổi sinh đẻ, nhóm đối tượng này đã được tư vấn tại nhà gần 900.000 lượt người (1,8 lần/tháng). Trong các buổi truyền thông lồng ghép sinh hoạt câu lạc bộ, ngành Dân số đã tổ chức được 400.000 cuộc truyền thông cho hơn 6 triệu lượt người tham dự.

 

Tính đến cuối năm 2011, mô hình hoạt động truyền thông về DS-KHHGĐ trực tiếp tại cơ sở dành cho vị thành niên/thanh niên đã có gần 70.000 người tham gia sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng. Đã có trên 100.000 buổi sinh hoạt, tư vấn và khám tiền hôn nhân cho hơn 9.000 cặp vợ chồng. Trong nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết, hơn 1.000 cuộc truyền thông trực tiếp cho hơn 50.000 lượt vị thành niên/thanh niên người dân tộc thiểu số. Có 400 điểm trường THPT thực hiện chương trình sinh hoạt ngoại khóa về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục. Với gần 100 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên ra đời đã tạo điều kiện cho hơn 800.000 học sinh tham gia sinh hoạt.

 

Có thể nói từ các mô hình này, cán bộ dân số các cấp đã nhanh chóng phát huy đồng bộ hiệu quả nhiều hình thức truyền thông trực tiếp tuyên truyền toàn diện về các nội dung, thông điệp, theo đúng tinh thần của chiến lược DS-SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

 

THÁCH THỨC PHÍA TRƯỚC

 

Bà Đặng Thị Bích Thuận, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ, đã nhấn mạnh những thách thức then chốt mà cán bộ ngành Dân số cần phải khắc phục trong thời gian tới. Người cao tuổi dựa vào cộng đồng (làng, xóm, khu phố) là nhóm đối tượng quan trọng trong nỗ lực của ngành Dân số nhằm đáp ứng cho quá trình già hóa dân số Việt Nam và quan tâm toàn diện đến chất lượng dân số giai đoạn 2011-2020. Nhưng đến năm 2012, chỉ có tỉnh Nghệ An là địa phương có nhiều hoạt động triển khai đề án này. Nhiều tỉnh thành khác mới manh nha hoặc chưa thể triển khai thực hiện.

 

Mất cân bằng giới tính khi sinh, bất bình đẳng giới là thực trạng nóng bỏng ở khu vực miền Trung hiện nay. Điều này được lý giải bởi một bộ phận chính quyền, Đảng, quần chúng nhân dân chưa nhận thức đúng mức về công tác DS-KHHGĐ và tâm lý trọng nam khinh nữ.

 

Truyền thông dân số trực tiếp chủ yếu dựa vào cán bộ dân số cơ sở là cán bộ chuyên trách dân số, nhưng còn nhiều cán bộ chuyên trách dân số chưa có kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản lý, triển khai và điều hành các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ tại cơ sở. Thêm vào đó, có một bộ phận không nhỏ cán bộ truyền thông các cấp chưa được tham gia đào tạo, tập huấn nghiệp vụ truyền thông chuyển đổi hành vi.

 

Có đến 35% xã, huyện chưa được đầu tư trang thiết bị truyền thông; 40% trang thiết bị truyền thông cấp xã, huyện bị hư hỏng không sử dụng được. Trên hết là phụ cấp của cộng tác viên dân số chưa phù hợp với thực tế (50.000 đồng/tháng) khiến đội ngũ này thường xuyên phải thay đổi.

 

Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đề nghị: “Để đáp ứng được yêu cầu công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn mới, công tác truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ đóng vai trò then chốt đi đầu. Tôi đề nghị lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh phải tăng cường công tác quản lý sâu, sát tình hình DS-KHHGĐ tại địa phương. Các đơn vị này phải kịp thời có những quyết định phù hợp trong công tác chỉ đạo, công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ”.

 

TUYẾT TRẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek