Thứ Năm, 10/10/2024 03:24 SA
Thiếu bác sĩ ở mọi tuyến
Thứ Tư, 07/11/2012 15:00 CH

Thiếu bác sĩ ở các bệnh viện luôn là vấn đề nóng mà ngành Y tế Phú Yên quan tâm. Trong khi đó, thời gian qua việc đào tạo bác sĩ theo địa chỉ cho Phú Yên và chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại Phú Yên chưa hiệu quả.

 

Phau-thuat-noi-soi.jpg

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân - Ảnh: THU THỦY

THIẾU TRẦM TRỌNG

 

Theo thống kê của Sở Y tế Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 435 bác sĩ, cả hệ điều trị, dự phòng và người làm quản lý, chỉ đạt tỉ lệ 5 bác sĩ/vạn dân, trong khi theo quy định của Nhà nước thì phải đạt mức 7 bác sĩ/vạn dân, ước tính toàn tỉnh thiếu gần 200 bác sĩ.

 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên trong lúc đang thiếu bác sĩ trầm trọng ở lĩnh vực ngoại, nội khoa, thì lại phải “chi” lực lượng bác sĩ với số lượng lớn cho Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên khi đơn vị này được thành lập mới. Hiện cả hai bệnh viện tuyến tỉnh này đang “khủng hoảng” thiếu bác sĩ, là thách thức lớn trong công tác điều trị. Bác sĩ Trần Minh Hoàng, Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết: “Trong lúc máy móc thiết bị hiện đại được đầu tư thì đòi hỏi con người phải đáp ứng năng lực để vận hành. Nhưng với tình hình thiếu bác sĩ như hiện nay nếu cử người đi học, thì những người ở lại phải gánh công việc rất lớn, khó đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Còn Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Phú Yên với quy mô 110 giường bệnh nhưng cũng chỉ có 6 bác sĩ. Theo bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc bệnh viện, tính theo chỉ tiêu giường bệnh thì số bác sĩ ấy phải làm việc với cường độ gấp đôi, vì bệnh viện đang thiếu 6 bác sĩ. Các bác sĩ ở ba bệnh viện trên phải trực dày, ít được nghỉ ngơi, dẫn đến khó đảm bảo hiệu quả công việc một cách tốt nhất.

 

Ở tuyến huyện, phần lớn các bệnh viện cũng trong tình trạng không đủ bác sĩ phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh. Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh là đơn vị thiếu bác sĩ trầm trọng trong nhiều năm qua, hiện cũng chỉ có 6 bác sĩ phục vụ. Bác sĩ Đỗ Văn Hòa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh cho biết: “Mấy năm nay bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ, chúng tôi gánh việc nhau mà làm. Các bác sĩ ra trường theo hệ cử tuyển, muốn làm được việc phải đi học thêm. Như vậy, số lượng bác sĩ làm việc tại bệnh viện thường chỉ 4 hoặc 5 người”.

 

Thiếu bác sĩ hiện tại là một nỗi lo, nhưng vấn đề về lâu dài khi các bác sĩ nghỉ hưu, không có người kế cận mới là điều lo lắng nhất của ngành Y tế khi vấn đề thu hút bác sĩ ở Phú Yên chưa được chú trọng. Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân, 11 năm nay cũng chưa có bác sĩ về. Còn với bệnh viện Đa khoa Phú Yên, số bác sĩ trên 50 tuổi chiếm đến 1/3. Bác sĩ Hoàng Minh Châu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa nói: “Năm 2012, bệnh viện tiếp nhận được một bác sĩ mới, đồng thời có một bác sĩ về hưu. Bệnh viện chỉ có 17 bác sĩ, trong khi phải chi phối cho các phòng khám đa khoa khu vực. Điều đáng quan tâm là ở đây có nhiều bác sĩ lớn tuổi, thời gian công tác không còn lâu. Khi các bệnh viện xây dựng mới với trang thiết bị, số giường bệnh được nâng lên, nhưng không có bác sĩ đầu quân về là một trở ngại cho công tác chuyên môn”.

 

Với hệ điều trị là vậy, còn với hệ dự phòng cũng luôn “khát” bác sĩ. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh mấy năm nay có nhiều bác sĩ bỏ đi nhưng khó thu hút bác sĩ về. Còn với tuyến huyện, có trung tâm y tế chỉ có một bác sĩ, trong khi dịch bệnh ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có lực lượng chuyên trách có đủ năng lực sát thực tế và chỉ đạo.

 

Kham-benh-cho-tre.jpg

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Hòa - Ảnh: T.THỦY

ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO, THU HÚT NHÂN LỰC

 

Theo Sở Y tế Phú Yên, từ 2007-2011, ngành Y tế có 31 bác sĩ bỏ việc, 3 bác sĩ chuyển công tác, trong khi đó chỉ tiếp nhận mới 23 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học. Tỉ lệ con em ở các huyện miền núi đi học theo hệ cử tuyển ít. Việc đào tạo bác sĩ theo địa chỉ không đạt số lượng đề ra vì học sinh thi vào không đạt điểm theo quy định.

 

Trước đây, Sở Y tế cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo sau đại học và chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực, tuy nhiên chỉ hỗ trợ cho cán bộ y tế đi học tiến sĩ, chuyên khoa II và thạc sĩ dưới 30 tuổi đối đối với cán bộ công chức, viên chức và dưới 35 tuổi đối với cán bộ là trưởng, phó phòng, khoa sở tương đương. Vì vậy, có ít người được hưởng chính sách này. Theo Quyết định 1877/QĐ-UBND ngày 18/11/2008 của UBND tỉnh, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I về công tác mới được hỗ trợ còn đối với bác sĩ chỉ được xét tuyển vào biên chế không qua thi tuyển, ngoài ra không có một chế độ nào. Những chính sách này khó thu hút được bác sĩ trong một thời gian dài.

 

Không ít bác sĩ và gia đình họ bày tỏ những bất cập về ưu đãi đối với ngành Y tế như: Để đào tạo ra một bác sĩ, dược sĩ đại học, điểm đầu vào rất cao, phải mất 6-7 năm để đào tạo, có người học xong chuyên khoa 1, thạc sĩ thêm vài năm, quá trình đào tạo rất tốn kém, nhưng khi ra trường thì các bác sĩ, dược sĩ lại hưởng hệ số 2,34 như các sinh viên ngành đại học khác nên, khi ra trường họ không muốn về quê công tác. Theo thông tin của ngành Giáo dục và Đào tạo, hai năm trở lại đây, học sinh ở Phú Yên theo học trường y tăng hơn trước. Đây cũng là điều thuận lợi để Phú Yên thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút nhân lực, đặc biệt là chính sách cho tuyến huyện, miền núi.

 

Trước tình hình thiếu nhân lực, Sở Y tế Phú Yên đưa ra một số giải pháp cho thời gian tới. Bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Bên cạnh phát huy nguồn nhân lực hiện có của ngành để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; ngành tiếp tục cho đào tạo bác sĩ đa khoa, dược sĩ đại học chính quy theo địa chỉ; đối với cán bộ công chức đào tạo từ y sĩ, dược sĩ trung học lên bác sĩ, dược sĩ đại học theo địa chỉ. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục đề nghị tỉnh có chế độ hợp lý để thu hút bác sĩ ở tuyến tỉnh, huyện, vùng sâu, vùng xa.

 

Các trường được phép mở rộng hình thức đào tạo

 

Triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế tại một hội nghị trực tuyến, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Nguyên nhân thiếu hụt trầm trọng nguồn bác sĩ, dược sĩ đại học tại các cơ sở y tế công lập trong cả nước là do tuyến dưới chuyển lên tuyến trên, từ công lập ra ngoài công lập, yếu về đào tạo quản lý, thi tuyển đầu vào rất khó. Trong khi không thu hút được bác sĩ về công tác, các tỉnh, thành phải đối mặt với ngày càng có nhiều bác sĩ nộp đơn xin thôi việc, xin chuyển vào các thành phố lớn để làm việc.

 

Bộ Y tế đã cho phép các trường mở rộng hình thức đào tạo để nhanh chóng bù đắp lượng thiếu hụt nhân lực y tế cho các tỉnh. Một bất cập trong việc đào tạo bác sĩ, dược sĩ theo diện ưu tiên, như cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, theo hợp đồng và liên thông hiện nay là những người này được tỉnh ưu tiên, đầu tư kinh phí đào tạo, nhưng sau khi ra trường lại không muốn trở về tỉnh công tác như cam kết ban đầu. Nếu không có chế tài, ràng buộc để xử lý tình trạng trên sẽ khó giải quyết được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực y tế tại các cơ sở y tế công lập…

 

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek