Với lợi thế đất đai, độ ẩm thích hợp cho nhiều loại cây trồng, Phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh đang triển khai dự án trồng cây cao su cho 2 xã Ea Bia và Ea Bá với 30ha.
Cao su sẽ là cây chủ lực giúp người dân thoát nghèo bền vững của huyện Sông Hinh - Ảnh: P.NAM
Năm 2012, mô hình trồng cây cao su giảm nghèo đã được huyện Sông Hinh triển khai cho 60 hộ nghèo ở 2 xã với kinh phí 300 triệu đồng/xã, mỗi hộ trồng 1ha với khoảng 600 cây cao su. Dự án hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật và phối hợp Ban Dân tộc huyện hỗ trợ phân bón. Dự án triển khai từ 6-8 năm, trong 3 năm đầu, các hộ sẽ trồng xen canh cây nông nghiệp ngắn ngày như: bắp, mè, đậu phụng, dưa hấu…
Ông Lê Ngọc Thiện, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh cho biết: Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với mô hình trồng cây cao su tại 2 xã Ea Bá và Ea Bia thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Dự án đã xây dựng và tập trung đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, với mục đích là đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân cải thiện đời sống, thoát nghèo và góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương. Nhiều hộ nghèo trên địa bàn 2 xã có diện tích đất trồng cây công nghiệp dài ngày, có lao động đủ khả năng để tổ chức sản xuất, có ý thức vươn lên trong cuộc sống nhưng do thiếu vốn, kỹ thuật nên thu nhập thấp. Bên cạnh đó, diện tích đất trồng cây của 2 xã được chọn qua khảo sát cho thấy cơ bản phù hợp với cây cao su. Việc hỗ trợ cho các hộ nghèo trồng cây cao su là sự cần thiết nhằm giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định lâu dài và tạo phong trào chung phát triển kinh tế - xã hội.
Ông K’sor Y Tôn, Phó chủ tịch UBND xã Ea Bá cho biết: Toàn xã có 397 hộ với 1.925 nhân khẩu, trong đó 245 hộ nghèo với 1.134 nhân khẩu. Mô hình trồng cây cao su khi triển khai trên địa bàn hy vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nghèo, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Khi có cây cao su, bà con lo làm, không còn phá rừng nữa. Được các cán bộ kỹ thuật chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, bà con đã có sự thay đổi nhận thức về sử dụng phân bón và hóa chất trong nông nghiệp. Ngoài ra, từ phát triển cây cao su, việc thay thế các loại cây truyền thống giá trị thấp đã có lối ra, đây là tín hiệu đáng mừng. Còn ông K sor Y Diêu, Phó chủ tịch UBND xã Ea Bia cho biết: Là xã miền núi, diện tích đất nông nghiệp và lâm nghiệp lớn nên xã có diện tích đất gieo trồng lớn. Việc đầu tư trồng cây cao su cho hộ nghèo là giải pháp để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động và giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Theo Trưởng phòng LĐ-TB-XH Lê Ngọc Thiện huyện Sông Hinh, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo ở 2 xã đã được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai. Điều đáng ghi nhận trước tiên là đồng bào dân tộc thiểu số đã nhiệt tình hưởng ứng và làm theo. Cùng với các nguồn lực khác, dự án này sẽ góp phần thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của từng địa phương.
KIM CHI