Thời gian gần đây, trẻ em ở nông thôn theo cha mẹ hoặc tự mình đi kiếm sống đang có dấu hiệu gia tăng. Gánh nặng mưu sinh đang đè lên những đôi vai nhỏ bé. Làm thế nào để hạn chế tình trạng này đang được các ngành chức năng triển khai trong chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Trẻ em nông thôn có xu hướng lao động sớm - Ảnh: K.CHI |
Ông Nguyễn Bá Trắc, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) nói: Kinh tế - xã hội phát triển là tiền đề quan trọng thúc đẩy xã hội và gia đình có điều kiện bảo vệ chăm sóc trẻ em hơn, các nhu cầu bức xúc của trẻ em cơ bản đã được giải quyết. Bên cạnh sự chăm lo của nhà nước, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em từng bước được xã hội hóa; đã có nhiều hoạt động trợ giúp trẻ em, nhiều phong trào trợ giúp hoạt động từ thiện giúp đỡ trẻ em hoạt động có hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi cũng nảy sinh nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền trẻ em như sự phân hóa giàu nghèo gia tăng nhanh làm cho sự phân tầng xã hội ngày càng trở nên sâu sắc, từ đó xuất hiện một bộ phận trẻ em lao động sớm, trẻ em lang thang kiếm sống…
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB-XH, năm 2004, tổng số trẻ em lang thang, đi làm của tỉnh là 469 em, đến cuối năm 2010 giảm còn 45 em. Đa số trẻ em lang thang theo nhóm bạn hoặc theo cha mẹ vào TP Hồ Chí Minh bán vé số do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tổng số trẻ em thuộc nhóm trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm năm 2005 có 1.050 em đến năm 2009 số trẻ em thuộc đối tượng này là 1.350, năm 2010 có 1.132 em… Ông Trắc cho biết thêm, thời gian qua, nhờ có sự tác động của nhiều chương trình, dự án can thiệp nhưng theo thống kê thì trẻ em lang thang, lao động sớm chưa giảm như mong đợi vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trong những năm gần đây, Phú Yên phải gánh chịu liên tiếp nhiều thiên tai, bão lụt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con. Việc cho trẻ đi làm sớm không những vi phạm quyền trẻ em mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy như có thể bị ngược đãi, xâm hại, đánh đập… Vì vậy, giảm thiểu số trẻ em đi làm sớm là việc cấp thiết nhưng không dễ bởi ở đây có cả nhu cầu thuê người làm việc là trẻ em lẫn nhu cầu được đi làm kiếm tiền của không ít trẻ em và gia đình ở nông thôn.
Trước tình trạng trên, tỉnh tiếp tục thực hiện trợ cấp theo Quyết định 19/QĐ-TTg đối với các đối tượng trẻ em; sự hỗ trợ của dự án nguồn từ cộng đồng châu Âu triển khai tại 10 xã trong tỉnh. Trẻ em thuộc nhóm đối tượng trên được trợ giúp dưới nhiều hình thức khác nhau của chương trình như hỗ trợ hồi gia, trở lại trường học, tiếp cận với các dịch vụ y tế, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm… đồng thời phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tuyên truyền vận động và cam kết từ hộ gia đình, thôn, buôn thực hiện.
Để ngăn ngừa tình trạng trẻ em lao động sớm, lang thang kiếm sống, theo chương trình Bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn từ nay đến 2015 của tỉnh có mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm. Theo đó, các ngành, các cấp của tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn tham vấn tại gia đình để vận động trẻ em lang thang hồi gia; tổ chức trợ giúp trẻ em có đời sống khó khăn, trợ giúp trẻ em hồi gia, giúp các em tiếp cận giáo dục nếu bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học, trợ giúp các dịch vụ y tế khi cần thiết; tổ chức các lớp hướng nghiệp, dạy nghề và trợ giúp các em tự tạo việc làm khi đến tuổi lao động và tiếp cận các dịch vụ xã hội khác dành cho đối tượng trẻ em nêu trên. Triển khai các hoạt động phục hồi tâm lý và thể chất cho trẻ em lang thang, trẻ em lao động nặng nhọc độc hại nguy hiểm. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các hội, đoàn thể hỗ trợ gia đình đối tượng trẻ em phải lao động sớm vay vốn sản xuất kinh doanh ổn định cuộc sống.
KIM CHI