Thứ Hai, 07/10/2024 14:22 CH
Thực hiện Đề án 1956 ở Phú Yên: Còn nhiều khó khăn
Thứ Hai, 29/10/2012 14:30 CH

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội cho nông dân được tiếp cận các chương trình đào tạo nghề để có thể kiếm việc làm, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, từ khi triển khai đến nay, các địa phương trong tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, làm giảm tính hiệu quả của đề án.

 

Chau121029.jpg

Nông dân huyện Đồng Xuân tham gia lớp nghề sản xuất chậu trồng cây cảnh - Ảnh: K.CHI

Hiện nay, toàn tỉnh có 17 cơ sở dạy nghề, trong đó có 2 cơ sở do Trung ương quản lý, 1 cơ sở của tư nhân, còn lại do địa phương quản lý. Hầu hết các trung tâm dạy nghề đều có xưởng thực hành. Đội ngũ giáo viên dạy nghề đều trẻ, nhiệt huyết trong công việc, các chương trình đưa vào giảng dạy đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng học nghề. Theo đề án, lao động nông thôn được đào tạo nghề đều thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% mức thu nhập của hộ nghèo; lao động là người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, người có công với cách mạng. Khi tham gia học, ngoài việc được học nghề miễn phí, các đối tượng trên còn được hỗ trợ chi phí trong quá trình theo học, thời gian hưởng chế độ này tối đa không quá 3 tháng. Riêng những người ở cách xa nơi học từ 15km trở lên sẽ được hỗ trợ tiền đi đường.

 

Năm 2011, toàn tỉnh đã đào tạo nghề ngắn hạn cho 2.782 người; 6 tháng đầu năm 2012 đào tạo cho 2.108 người. Phấn đấu đến năm 2015, tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh chiếm 55%; trong đó, dạy nghề 41%.

Thế nhưng, đợt khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh cho thấy, bản thân người lao động chưa thấy rõ lợi ích của việc học nghề. Những lao động ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận thông tin, nhiều lao động khó khăn về kinh tế, ở cách xa cơ sở dạy nghề nên chưa tham gia học nghề. Bà con nông dân học nghề chưa đúng với nhu cầu và khả năng của bản thân, gia đình, dẫn đến chất lượng học và dạy nghề còn thấp. Bà Nguyễn Thị Diệu Thiền, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, cho biết, những tồn tại trên là do một số địa phương chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác dạy nghề, đặc biệt tính tự giác tham gia học nghề trong người lao động chưa cao, tư tưởng và nhận thức về lợi ích của học nghề còn chưa thông suốt, không muốn mất thời gian cho học nghề. Còn theo bà Phan Thị Thanh Ngọc, Trưởng phòng LĐ-TB-XH TP Tuy Hòa, đề án góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo thói quen tích cực cho lao động nông thôn trong việc học nghề, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, phải lo kiếm sống hằng ngày, thậm chí không ít người lo lắng sau khi học nghề không đủ kiếm sống với nghề nên chưa mặn mà, dẫn đến số lượng người đăng ký học từng ngành nghề còn thấp.

 

Ông Nguyễn Văn Lãng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết, hầu hết các trung tâm dạy nghề các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh mới thành lập từ 4-5 năm, do đó cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề còn nhiều hạn chế, nhất là các xưởng thực hành, nhà làm việc; công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về công tác đào tạo nghề nên việc tuyên truyền chưa được thường xuyên thiếu sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Nhận thức của người dân chưa cao, đặc biệt là lao động trẻ, chưa nhận thức được việc học nghề là một nhu cầu, một yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bản thân… Đây là những tồn tại, hạn chế khiến đề án chưa đạt được hiệu quả cao nhất.

 

Theo ông Lãng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ là một chính sách an sinh xã hội mà còn là một tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt, hiện nay, tỉnh đã phân chia 2 mảng nghề do 2 cơ quan quản lý là nghề phi nông nghiệp do Sở LĐ-TB-XH Phú Yên quản lý theo dõi; nghề nông nghiệp giao Sở NN-PTNT quản lý theo dõi. Do đó, các cơ quan đơn vị cần tập trung vào các nghề gần gũi với người nông dân, phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: kỹ thuật sửa chữa máy cày, may, làm chậu trồng cây cảnh, trồng trọt, chế biến lâm sản, nuôi trồng thủy sản, làm lúa nước chất lượng cao…

  

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek