Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc người cao tuổi (NCT), điều này thể hiện rõ qua Hiến pháp (1992) và nhiều bộ luật liên quan, các chỉ thị, nghị định, thông tư… Và mới đây nhất là Đề án 32 của Chính phủ về “Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020”, trong đó có đề cập đến vấn đề chăm sóc, hỗ trợ NCT với mô hình Trung tâm Công tác xã hội chăm sóc NCT theo mô hình xã hội hóa.
Khám bệnh cho người cao tuổi ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) - Ảnh: T.THẢO
NHU CẦU HỖ TRỢ, CHĂM SÓC NCT
Theo thống kê năm 2010, cả nước có 8,15 triệu NCT; trong đó có 42,5% người NCT được nhận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước như: trợ cấp, lương hưu, cấp BHYT... Ngoài các hỗ trợ này, các cấp Hội NCT cũng có nhiều hoạt động chăm sóc NCT như: phối hợp với UBMTTQ Việt Nam các cấp giúp NCT nâng cấp nhà tạm; tổ chức mừng thọ, chúc thọ vào dịp đầu xuân, ngày Quốc tế người cao tuổi; chăm lo tang lễ; xây dựng “CLB ông bà cháu”; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; các CLB nghệ thuật, thơ ca…
Tuy nhiên, những hoạt động trên mới đáp ứng một phần nhu cầu của NCT. Số đông NCT vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế, thể dục, thể thao, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm nhận định: Hệ thống chăm sóc NCT hiện nay còn nhiều bất cập, vấn đề nhận thức về NCT chưa đầy đủ; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe công lập không đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh của NCT; bản thân NCT không nhận thức được sự cần thiết phải chăm sóc, bảo vệ bản thân… Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng NCT Việt Nam sống lâu nhưng chưa sống khỏe.
XÃ HỘI HÓA MÔ HÌNH CHĂM SÓC NCT
Việc chăm sóc, hỗ trợ NCT đang là nhu cầu cấp thiết. Thế nhưng cho đến nay, các loại hình dịch vụ chuyên môn chăm sóc NCT ở nước ta còn rất yếu và thiếu. Phần lớn sự chăm sóc chủ yếu còn mang tính trợ cấp, cứu trợ. Ở các tỉnh, thành phố đều có Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội, tuy nhiên đối tượng được vào trung tâm này rất hạn chế. Ông Trần Văn Thống, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên, cho biết: “Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trung tâm tiếp nhận và tổ chức phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng cho các đối tượng chính sách ưu đãi, người có công; đối với các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội trong đó có NCT thì tiêu chuẩn phải là NCT cô đơn, không nơi nương tựa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều gia đình có nhu cầu đưa NCT đến trung tâm chăm sóc”.
Trước nhu cầu thực tế này, vận dụng các điều khoản trong Đề án 32 của Chính phủ về phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, nhiều tỉnh, thành phố đã mạnh dạn thành lập Trung tâm Công tác xã hội và chăm sóc NCT theo mô hình xã hội hóa. Theo đó, kinh phí trung ương hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, ngân sách địa phương và sự đóng góp xã hội hóa trang trải trong việc duy trì hoạt động. Hiện ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã cho thấy hiệu quả cao từ mô hình này.
Ông Đinh Viết Hậu, Phó giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên, cho biết thêm: Hiện nhu cầu NCT được chăm sóc tập trung tại trung tâm xã hội là khá lớn. Tuy nhiên, khả năng thu dung của Nhà nước còn hạn chế, nên việc xây dựng Trung tâm Công tác xã hội chăm sóc NCT theo mô hình xã hội hóa là rất cần thiết. Trước mắt, nếu có chủ trương thành lập Trung tâm Công tác xã hội chăm sóc NCT, chúng tôi sẽ tận dụng một phần cơ sở hạ tầng hiện có, bổ sung thêm nguồn nhân lực và cơ sở vật chất với quy mô chăm sóc cho 20 NCT.
Phú Yên hiện có khoảng 89.700 NCT, chiếm hơn 10,3% dân số. Trong đó, nhóm NCT sống ở thành thị đang có xu hướng sống độc thân do con cháu lo tập trung vào các hoạt động kinh tế, học tập. Vì thế, NCT và gia đình trong nhóm này đều có nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng ở tại các cơ sở dịch vụ công tác xã hội. Ông Võ Văn Binh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) nói: Chúng tôi nhận thấy thành lập Trung tâm công tác xã hội chăm sóc NCT theo mô hình xã hội hóa là cần thiết và phù hợp với cơ sở chính sách hiện có. Sắp tới, Sở LĐ-TB-XH sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương, đề nghị Bộ LĐ-TB-XH xét duyệt kinh phí.
THẾ NHƠN