Sự nghiệp CNH-HĐH đất nước hiện nay đã tạo những cơ hội, điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát huy khả năng, những phẩm chất tốt đẹp đã được xây đắp qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng.
Nữ Công an Phú Yên tham gia biểu diễn văn nghệ - Ảnh: N.DUNG
Với thiên chức làm mẹ, vai trò làm “nội tướng” trong gia đình và công dân của xã hội, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn, phát huy các phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Bước vào giai đoạn hội nhập, những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ. Một số giá trị tốt đẹp về phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam có phần bị mai một. Việc giữ gìn, phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ ngày càng trở nên bức thiết. Đánh giá về những khó khăn, thách thức đối với phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đã chỉ rõ: “Phụ nữ gặp nhiều khó khăn thách thức khi thực hiện vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên của con người trong điều kiện xã hội và gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ”. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 343 - “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” giai đoạn 2010-2015. Mục đích của đề án nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH; đồng thời, đảm bảo tính kế thừa phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước. Các nội dung hoạt động của đề án được phân thành bốn tiểu đề án theo từng lĩnh vực hoạt động và phân công trách nhiệm cho từng bộ/ngành (GD-ĐT; VH-TT-DL; Thông tin và Truyền thông; Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên; Liên đoàn Lao động) tham gia chủ trì tổ chức, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Mục tiêu của đề án là đến hết năm 2015, có trên 70% phụ nữ và trên 95% hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân được tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH; trên 95% cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, phóng viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên của các ngành: GD-ĐT, VH-TT-DL; thông tin và truyền thông làm công tác tuyên truyền và cán bộ Hội Phụ nữ; cán bộ Đoàn Thanh niên; cán bộ phụ trách nữ công của công đoàn; cán bộ văn hóa được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.
Thực hiện kế hoạch của đề án, từ 23-26/10, Hội LHPN tỉnh Phú Yên tổ chức hai lớp tập huấn Đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” cho 80 cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN 9 huyện, thị, thành phố và các đơn vị: Bộ Chỉ huy BĐBP, Bộ CHQS, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở VH-TT-DL, Sở TT-TT, Sở GD-ĐT, Đoàn Thanh niên. Lớp tập huấn tập trung vào các nội dung như tổng quan về công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam “Yêu nước, anh hùng, đảm đang, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung và giàu đức hy sinh”; tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước: có lòng yêu nước; có sức khỏe; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu; định hướng các giá trị đạo đức, phẩm chất phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới “Tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu”; cách tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền đề án…
Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Phương cho biết: Ngoài các lớp tập huấn, trong năm nay tỉnh Hội cũng sẽ tổ chức trên 40 nhóm truyền thông tại cộng đồng cho hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Đồng thời, biên soạn và xuất bản 810 tờ tin tuyên truyền về các nội dung của đề án để cấp miễn phí cho các cơ sở hội. Để góp phần thực hiện dự án đạt hiệu quả, tỉnh Hội cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền về đề án. Công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước được tỉnh Hội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội. Tuy đề án mới bắt đầu triển khai, nhưng trước đó các cấp hội cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động của Hội cũng như thông qua phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” cho cán bộ, hội viên, phụ nữ cơ sở. Thực hiện hiệu quả Đề án 343 nhằm góp phần quan trọng trong việc định hướng xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ nói riêng và con người Việt Nam nói chung trong thời kỳ hội nhập một cách bền vững.
THỦY VĂN