Hàng chục hộ dân ở khu tái định cư Xóm Trường và Gò Cốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, trong khi đó công trình nước sinh hoạt tập trung xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân hoạt động ì ạch, cầm chừng trong tình trạng không đảm bảo hợp vệ sinh.
Ông Huỳnh Tấn Kế phải hứng nước mưa từ mái nhà vào hồ để sử dụng - Ảnh: P.NAM
Ở xóm Trường và Gò Cốc (xã Xuân Quang 2, Đồng Xuân), những ngôi nhà mới mọc san sát, mái ngói vẫn còn đỏ tươi mặc dù đã qua sử dụng gần 3 năm. Đất rộng, đường bê tông thông thoáng, điện sinh hoạt bảo đảm 24/24 giờ, làm cho cuộc sống người dân nơi đây ngày càng khởi sắc, mọi người gần như quên hẳn nỗi đau, mất mát tưởng chừng không lấy gì bù đắp được do cơn “đại hồng thủy” gây ra hồi tháng 11/2009.
Tuy nhiên, từ khi về nơi ở mới đến nay, hàng ngày người dân phải chật vật xách từng thùng nước từ nơi ở cũ cách xa gần 500m về dùng, hoặc “cầu trời” tuôn mưa tích nước uống. Trong khi đó, công trình nước sinh hoạt tập trung đã qua sửa chữa, nâng cấp nhiều lần nhưng việc cấp nước ngày càng không ổn định, không đảm bảo hợp vệ sinh, người dân không dám sử dụng.
Ông Huỳnh Tấn Kế, một người dân xóm Trường vẫn còn nhớ như in niềm vui khôn xiết khi chuyển về nhà mới tại khu tái định cư này, ông nói: “Nhà cửa, vườn tược khang trang rộng rãi, bà con vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, từ đó đến nay người dân phải sống trong trình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là không có nước uống tại chỗ. Trong khi đó, nước máy của công trình nước quá đục, thỉnh thoảng có cả lá ủ mục nên không thể dùng được. Đã vậy, việc cấp nước lại không ổn định, có khi mất nước từ 2-3 ngày khiến người dân bức xúc. Bà con đã nhiều lần kiến nghị lên HĐND các cấp và chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nước máy không uống được, người dân xóm Trường phải xây bể, bồn chứa tích nước mưa để sử dụng cầm chừng. Tôi phải xây hồ chứa có dung tích khoảng 1.200 lít, hứng nước mưa từ mái nhà để dự trữ nhưng cũng chỉ sử dụng được từ 4-5 ngày, sau đó cũng phải đi xách nước về dùng”.
Nước không đảm bảo hợp vệ sinh, nay có mai không nhưng người dân vẫn phải trả tiền với giá 4.000 đồng/m3. Bà Nguyễn Thị Tám cũng ở khu tái định cư Xóm Trường bức xúc nói: “Nhiều hôm nước có màu vàng, trẻ em không thể súc miệng và không dám giặt quần áo, trong khi đó bình quân hàng tháng phải trả từ 40.000-50.000 đồng tiền nước”. Bà Tám cho biết thêm, hàng ngày khi đi làm rẫy bà phải đem theo bầu chứa, múc nước giếng tại nơi ở cũ ven sông về dùng.
Người dân xóm Trường và Gò Cốc cho hay, công trình nước sinh hoạt tập trung xã Xuân Quang 2 dẫn nước từ suối Tre, qua hệ thống lắng lọc và bể chứa đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện con suối này đang trong tình trạng ô nhiễm do ứ đọng rác, chất thải sinh hoạt và trồng trọt từ khắp các nơi đổ về, nhất là khi nước suối cạn kiệt. Trong khi đó, mương thoát nước tại khu tái định nơi đang sinh sống bị ứ đọng nước, kể cả trong mùa nắng, nhiều đoạn nắp cống bị vỡ, nước đọng bốc mùi khó chịu. Theo ông Huỳnh Tấn Kế, nguyên nhân là do trong quá trình xây dựng nhà ở trước đây, người dân để xà bần, gạch, đá rơi xuống mương, sau đó không vớt lên nên đã gây nghẹt. Mặt khác, nhiều người dân nuôi nhốt gia súc ngay sau nhà, gặp mưa lớn, nước phân tràn xuống mương ứ đọng nhiều ngày, bốc mùi và sinh ra muỗi.
Theo ông Nguyễn Đức Thi, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, công trình nước sinh hoạt tập trung cung cấp nước phân chia theo giờ cho gần 300 hộ dân, nhưng do công suất nhỏ, hệ thống máy móc, các hồ chứa sử dụng lâu ngày hiện đã bị xuống cấp nên hoạt động kém hiệu quả. Địa phương đã kiến nghị lên các ngành liên quan nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Địa phương mong rằng các ngành có liên quan sớm có giải pháp khắc phục, đầu tư nâng cấp để người dân xóm Trường có nước sạch sinh hoạt.
PHƯƠNG MINH