Sáng 17/10, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức công bố Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015.
Ảnh minh họa. - Ảnh: TTXVN |
Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 27.509 tỉ đồng, huy động từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2015 là tăng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước lên 1,6 lần so với cuối năm 2011; riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần, thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình giảm nghèo tăng 15-20%/năm, bình quân mỗi năm có 10% hộ tham gia mô hình thoát nghèo…
Tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm; riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Theo chương trình mới, đến năm 2015, Việt Nam phấn đấu giúp 10% số huyện nghèo và 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu chương trình còn là cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước sinh hoạt...
Phấn đấu đến năm 2015, 60% thôn, bản có đường giao thông theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải, 100% trung tâm xã có điện; trên 90% thôn, bản có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh.
Chương trình được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2015 trên phạm vi cả nước; trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư vào các địa bàn trọng điểm như: huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới và xã an toàn khu), thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Vietnam+