Theo Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng vừa được UBTV Quốc hội thông qua, có nhiều mức chuẩn ưu đãi mới cho người có công là nguồn động viên thiết thực nhất đối với các đối tượng này trong tình hình hiện nay. Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên xoay quanh vấn đề này, ông Trần Văn Thống, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên cho biết:
Chính sách mới này đầy tính nhân văn, đỡ đần được một phần khó khăn cho người có công và thân nhân của họ; góp phần nâng cao mức sống đối với gia đình chính sách vì hầu hết các gia đình có công với cách mạng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Do vậy, Nhà nước đã mở rộng chính sách ưu đãi, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, là nguồn động viên thiết thực nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự chúc mừng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: K.CHI
* So với trước đây thì các đối tượng người có công được hưởng từ pháp lệnh sửa đổi này có gì mới, thưa ông?
- Một là, người có công với cách mạng và thân nhân bên cạnh việc nhận các khoản trợ cấp, phụ cấp còn được đóng bảo hiểm y tế (BHYT), điều dưỡng phục hồi sức khỏe, ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở. Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại gia đình; thân nhân của Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến bao gồm: cha, mẹ, vợ chồng, con đi học, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ, người phục vụ thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được Nhà nước hỗ trợ thêm BHYT.
Hai là, về vấn đề công nhận liệt sĩ, bổ sung thêm trường hợp hy sinh vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm; do ốm đau, tai nạn khi đang tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại khoản a, b, c, d, đ Điều 11 của Pháp lệnh; người trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng - an ninh có tính chất đặc biệt nguy hiểm.
Ba là, về vấn đề công nhận thương binh, bổ sung thêm các trường hợp là quân nhân, công an nhân dân bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên khi tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm; khi trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng - an ninh có tính chất đặc biệt nguy hiểm; khi đang tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Cuối cùng, theo Pháp lệnh, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày ngoài được tặng kỷ niệm chương còn được hưởng trợ cấp hàng tháng nếu đang không hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước hoặc bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi). Riêng đối với những người đã hưởng chế độ trợ cấp một lần nếu đủ điều kiện thì cũng được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Cán bộ điều dưỡng của Trung tâm quan tâm chăm sóc tận tình các đối tượng người có công - Ảnh: T.THẢO
* Theo ông, những chính sách mới này đã thể hiện được sự công bằng giữa các đối tượng?
- Theo quy định mới này đã bảo đảm được sự công bằng giữa các đối tượng. Bên cạnh đó, việc Nhà nước dành chế độ bệnh binh cho các trường hợp quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh khi thực hiện nhiệm vụ đã xuất ngũ về gia đình, nay bị rối loạn tâm thần có liên quan đến bệnh cũ làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên đã thể hiện tính nhân văn của chính sách. Trước đây, nhiều thương binh khi xuất ngũ đã giám định nhưng tiến bộ y học khi đó chưa phát hiện được hết mọi thương tật. Khi xuất ngũ, do vết thương tái phát, nhiều người sức khỏe suy giảm, bệnh tật kéo dài, cuộc sống gặp khó khăn. Tuy nhiên, do không được công nhận là thương binh, bệnh binh nên họ không được hưởng chế độ gì, thực sự rất thiệt thòi. Do đó, quy định mới này sẽ đem lại niềm vui cho rất nhiều gia đình.
Còn có những gia đình người có công chưa được thụ hưởng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, do chưa tìm được đủ hồ sơ để người thân được truy tặng liệt sĩ, chúng tôi sẽ tham mưu cấp trên sớm giải quyết để được công nhận liệt sĩ, thương bệnh binh, xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… Với những sửa đổi về chế độ ưu đãi người có công, đa phần các đối tượng người có công và thân nhân được thụ hưởng chế độ ưu đãi mới, cao hơn trước. Tuy nhiên, để chính sách ưu việt này phát huy tính nhân văn, trợ giúp người có công theo đúng nghĩa, các địa phương cần chi trả kịp thời, không bỏ sót đối tượng.
* Cụ thể các đối tượng người có công ở Phú Yên hiện được hưởng chế độ điều dưỡng tại trung tâm là như thế nào, thưa ông?
- Đến nay, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã đi vào đời sống xã hội và đã đạt được nhiều kết quả. Hầu hết người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Đời sống người có công được ổn định và từng bước được cải thiện góp phần phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới, củng cố lòng tin của nhân dân. Đây cũng là sự khẳng định trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng người có công và thân nhân liệt sĩ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Thời gian qua, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh đã thực hiện đúng, đủ chế độ tiêu chuẩn cho từng đối tượng, kể cả đối tượng ăn kiêng theo từng bệnh lý. Cụ thể, mức ăn của đối tượng đến điều dưỡng là 110.000 đồng/ngày/người; đối tượng người có công là 700.000 đồng/tháng/người. Ngoài ra, đội ngũ y bác sĩ của trung tâm thường xuyên theo dõi sức khỏe khám, chữa bệnh kịp thời. Hàng năm trung tâm có những đợt đi điều dưỡng tập trung ở ngoài tỉnh cho các đối tượng người có công để họ có dịp gặp lại đồng đội cũ, tham quan những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Đồng thời thường xuyên động viên, thăm hỏi và tặng quà nhân các ngày lễ tết…
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)