Trong thời gian qua, các cấp công đoàn có nhiều cố gắng trong việc tập hợp công nhân lao động (CNLĐ) ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (NQD) vào tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, việc vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở loại hình doanh nghiệp này còn gặp khó khăn từ nhiều phía.
Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh luôn cần vai trò của tổ chức công đoàn - Ảnh: N.HÂN
DOANH NGHIỆP CHƯA MẶN MÀ
Cuối năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, các doanh nghiệp nhà nước ở Phú Yên dần đi vào cổ phần hóa, các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp NQD, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và phát triển mạnh. Điều đáng quan tâm là hiện nay, tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp này phát triển chậm và hoạt động kém hiệu quả. Hiện Phú Yên có gần 1.000 doanh nghiệp NQD, nhưng mới chỉ có hơn 10% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Theo ông Nguyễn Thành Đức, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, công tác vận động các doanh nghiệp NQD thành lập tổ chức công đoàn còn gặp nhiều khó khăn, có khi phải mất cả năm mới vận động được một doanh nghiệp thành lập công đoàn. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp còn e ngại, sợ ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Đồng tình với ý kiến đó, bà Lê Thị Cuốn, Chủ tịch LĐLĐ TP Tuy Hòa, cho biết: “Qua nhiều lần trực tiếp vận động tại các doanh nghiệp, tôi thấy hầu hết chủ doanh nghiệp không mặn mà với tổ chức công đoàn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng có tổ chức công đoàn cũng vậy mà không có cũng xong, thậm chí công đoàn còn làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp!(?)”. Còn theo bà Huỳnh Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh, tỉ lệ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổ chức công đoàn thấp. Nguyên nhân chính là do công tác vận động chưa thực sự sâu sát và chưa đến nơi đến chốn khiến nhiều doanh nghiệp chưa có sự hiểu biết một cách đúng đắn về vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn. Bà Mai nhấn mạnh rằng, để việc phát triển công đoàn NQD mang lại hiệu quả thì công tác vận động phải thực hiện đến nơi đến chốn, sao cho doanh nghiệp thấy được lợi ích của công đoàn không đối trọng với lợi ích của doanh nghiệp mà ngược lại có sự đồng thuận.
Chính những khó khăn, bất cập đó đã khiến cho tình hình phát triển tổ chức công đoàn cơ sở ở loại hình doanh nghiệp này trong mấy năm gần đây không mấy khả quan. Tính từ năm 2008 đến tháng 6/2012, các cấp công đoàn chỉ vận động thành lập gần 20 công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc thành lập tổ chức công đoàn đã khó, để tổ chức công đoàn ở những doanh nghiệp NQD hoạt động có hiệu quả càng khó hơn. Hầu hết các tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp NQD đều hoạt động cầm chừng, không ít doanh nghiệp do công việc kinh doanh gặp khó khăn, tổ chức công đoàn cũng tạm ngưng hoạt động và đi đến giải thể trong một thời gian không lâu sau đó.
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Lý giải cho vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của người lao động, kinh phí dành cho công đoàn còn hạn chế, trong khi đó cán bộ công đoàn hầu hết kiêm nhiệm, thiếu kiến thức, kỹ năng để điều hành các hoạt động của tổ chức mình.
Ngoài những hạn chế trong công tác vận động và thái độ né tránh của các doanh nghiệp thì việc chưa có một chế tài đủ sức răn đe cũng là một trong những bất cập góp phần làm công tác phát triển công đoàn ngoài quốc doanh thiếu và yếu. Trong Bộ luật Lao động đã được sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007, Chương 13, Điều 153 có nêu rõ: “Khi doanh nghiệp đang hoạt động và mới thành lập thì sau 6 tháng phải thành lập tổ chức công đoàn...”. Nhưng trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn cơ sở nhưng không thành lập vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị xử lý gì! Nói về vấn đề này bà Huỳnh Thị Mai cho biết: LĐLĐ chỉ có thể thực hiện tuyên truyền, vận động còn việc xử lý vi phạm trong Bộ luật Lao động không quy định và cũng không thuộc quyền hạn của LĐLĐ. Bà Mai khẳng định: Nếu chỉ dựa vào công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức công đoàn mà không có sự can thiệp của pháp luật thì công tác phát triển công đoàn NQD khó mang lại hiệu quả.
Tốc độ phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp NQD còn chậm so với yêu cầu. Tình trạng nhiều doanh nghiệp vi phạm Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn nhưng chưa được xử lý kiên quyết tạo tư tưởng ngại đấu tranh trong đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở… Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình vận động phát triển đoàn viên tại các doanh nghiệp, bà Huỳnh Thị Mai cho biết: “Tổ chức công đoàn cần phải đa dạng hóa các loại hình vận động, tập hợp công nhân. Muốn vậy, cần nghiên cứu kỹ các loại hình doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước; hiểu rõ cơ cấu vận hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, số lượng, chất lượng đội ngũ CNLĐ. Mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp phải có quy trình, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp. Từ đó, lựa chọn những CNLĐ đủ trình độ, có bản lĩnh, phẩm chất chính trị tốt làm hạt nhân để nhân rộng, phát huy hiệu quả của việc tuyên truyền vận động. Chúng tôi đang kiến nghị công đoàn cấp trên bổ sung các chính sách nhằm đảm bảo thực hiện các quyền và trách nhiệm của công đoàn trong từng loại hình kinh tế. Tổng LĐLĐ Việt Nam nên căn cứ điều kiện thực tiễn của từng ngành, địa phương để phân bổ, cân đối kinh phí, giao cho công đoàn cấp trên chủ động tính toán thực hiện việc trợ cấp định suất này cho cán bộ công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp để họ mạnh dạn đấu tranh vì quyền và lợi ích hợp pháp của CNLĐ”.
NGỌC HÂN