Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho nông dân được Trung tâm Giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh) triển khai thực hiện tốt trong những năm qua. Mới đây, trung tâm tiếp tục mở hai lớp học nghề may công nghiệp tại xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) thu hút 60 nông dân tham gia…
Nông dân xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) học may chiều 7/9 - Ảnh: T.HIẾU |
Khi mặt trời vừa xuống núi cũng là lúc 60 nông dân ở xã Hòa Kiến có mặt tại Trường tiểu học Quan Quang và trụ sở thôn Xuân Hòa ngồi vào bàn máy may để nghe thầy giáo hướng dẫn cách đạp máy, chỉ dẫn cách may và cắt vải… Có nhiều nông dân tuổi đã lớn nhưng cũng tranh thủ thời gian, sắp xếp việc nhà đến học. Nhiều chị lớn tuổi, nắm bắt các kỹ thuật may chậm đã mạnh dạn hỏi thầy hướng dẫn thêm. Lớp học thường kết thúc sau 20g30 mỗi ngày, riêng ngày thứ bảy và chủ nhật các học viên phải học cả ngày. Chị Lê Thị Mẫn, 44 tuổi, ở thôn Xuân Hòa, nói: “Vợ chồng tôi làm nông, thu nhập bấp bênh nhưng phải lo cho hai đứa con ăn học. Vì vậy, mấy năm nay tôi phải nhận hạt điều về làm thêm để trang trải cuộc sống, có hôm “đứt hàng” đành phải ngồi ở nhà chơi không. Nay được trung tâm tổ chức lớp học may công nghiệp, tôi đăng ký tham gia ngay. Qua hơn một tháng học, bây giờ tôi đã biết ráp áo sơ mi và biết cắt vải may áo rồi. Hy vọng qua lớp học này tôi có thể xin được việc làm để có thêm thu nhập”. Còn chị Phan Thị Thanh ở cùng thôn với chị Mẫn cũng là học viên lớp may công nghiệp, mới 24 tuổi nhưng Thanh có nhiều năm bán trứng vịt ở ngoài chợ. Thanh nói: “Gia đình khó khăn nên khi tốt nghiệp THPT tôi đành nghỉ học ở nhà phụ mẹ bán trứng vịt kiếm sống. Mấy năm qua, giá trứng không ổn định nên thu nhập không được bao nhiêu. Vì vậy, khi nghe trung tâm mở lớp học may miễn phí cho nông dân tôi đến đăng ký học ngay”.
Anh Phan Quốc Viến, giáo viên hướng dẫn lớp may công nghiệp cho nông dân tại thôn Xuân Hòa cho biết: Các học viên tuy là nông dân nhưng họ luôn đi học đúng giờ. Tuy tiếp thu còn chậm, nhất là ở một số nông dân lớn tuổi nhưng bà con rất chịu khó học hỏi và đam mê công việc này. Tôi tin sau ba tháng học nghề, các học viên sẽ nhuần nhuyễn các khâu để có thể làm ở các công ty may xuất khẩu nhằm có thu nhập ổn định trang trải thêm cho cuộc sống.
Theo ông Võ Hữu Sung, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội Nông dân tỉnh, trung tâm vừa làm việc với các công ty may xuất khẩu trong tỉnh và họ đã đồng ý sau khi học viên theo học hai lớp học may này được cấp chứng chỉ nghề thì họ sẽ nhận vào công ty làm ngay, hưởng lương theo năng suất như công nhân đã làm lâu nay. Cũng theo ông Sung, mặc dù đầu ra của các lớp học may công nghiệp đã được đảm bảo, nhưng công tác tuyển sinh tại các địa phương vẫn còn khó khăn. Bởi số lượng nông dân đến học còn hạn chế, nhu cầu của phần lớn nông dân là học các nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ cho sản xuất của nhà nông.
Vừa qua Bộ NN-PTNT và Bộ LĐ-TB-XH đã ký chương trình liên tịch đào tạo nghề nông nghiệp. Vì vậy, Sở LĐ-TB-XH tỉnh chỉ cho phép trung tâm đào tạo nghề phi nông nghiệp nên năm nay công tác đào tạo nghề hạn chế hơn so với những năm trước. Mặc dù kinh phí của UBND tỉnh và Sở LĐ-TB-XH cấp được gần 500 triệu đồng để trung tâm đào tạo các nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn.
NGUYỄN CHƯƠNG