Thứ Hai, 30/09/2024 04:29 SA
Gánh bánh xèo... nuôi 3 con học đại học
Thứ Bảy, 23/12/2006 09:05 SA

Bao năm qua, khắp các đường phố, bến xe, góc chợ ở TP Tuy Hoà luôn có bóng dáng tần tảo của một người mẹ với  gánh bánh xèo nuôi từng đứa con bước vào đại học.

 

CUỘC SỐNG NHIỀU NỖI LO CỦA NGƯỜI MẸ GÓA

 

Bà Lê Thị Ổn được sinh ra trong một gia đình  nghèo ở thôn Phụng Tường (Hoà Trị, Phú Hoà), từ nhỏ đã quen với việc làm thuê, làm mướn. Nhà có ba chị em, người chị cả lấy chồng, bà Ổn và anh trai sống chung với bố mẹ. Mọi việc từ trong nhà ra ngoài đồng bà đều gánh vác giúp bố mẹ.  

 

061223-banbanh.jpg

Gánh bánh xèo nhỏ này của bà Lê Thị Ổn đã đưa cả 3 người con vào đại học – Ảnh: V.HIẾU

Năm 25 tuổi, bà lấy chồng, về ở nhà chồng nhưng cuộc sống cũng chẳng khá hơn. 9 năm sau, chồng bà mắc bệnh dạ dày mà trong nhà cũng chẳng có gì để bán. Bà phải đi vay mượn anh em, xóm làng, cố công chạy chữa cho chồng nhưng rồi ông vẫn không qua khỏi. Sau khi chồng mất, bà mang ba đứa con về lại quê mẹ ở Phụng Tường, kiếm sống trên ba sào ruộng nhưng cũng không đủ chi tiêu. Lúc ấy, gánh nặng càng đè trên vai khi bà vừa lo trang trải những khoản nợ vay mượn trước đây để lo thuốc thang cho chồng, vừa nuôi ba đứa con còn thơ dại. Sống trong cảnh nghèo túng, đói ăn, thiếu mặc nhưng bà vẫn quyết tâm: “Dù đời mình khó khăn đến đâu cũng phải lo cho đàn con ăn học”.      

          

Rồi những đứa con đến trường, thu nhập ít ỏi phải chia năm xẻ bảy cho các khoản chi tiêu trong nhà, tiền ăn, tiền đóng học phí, mua sách vở... Từ đấy, bà không có ngày nào ở nhà mà đi làm thuê làm mướn khắp làng trên xóm dưới, ai mướn gì làm nấy. Những ngày không đi nhổ cỏ, cấy dặm thuê, bà nấu xôi đem ra chợ bán. Ngày lời nhất cũng chỉ được 10.000 đồng.

 

Không có nhà, ở chung với người anh trai độc thân 55 tuổi trong căn nhà vách đất khoảng chừng 60m2, nhiều lúc các con bà học khuya làm cậu của chúng không ngủ được nên đôi khi anh em cũng có lời qua, tiếng lại . Thấy sống chung bất tiện và cũng muốn tạo điều kiện cho con học tốt, bà đi hỏi thuê nhà nhưng cũng không được đành quay về chung sống với người anh.

 

RỒI HẠNH PHÚC SẼ MỈM CƯỜI

 

Ba đứa con của bà Ổn học rất chăm và giỏi nên đứa nào cũng thi đậu vào đại học. Ngày thằng con trai cả Nguyễn Hữu Vinh thi đậu ba trường đại học: ĐH Kiến trúc, ĐH Luật (TP HCM) và ĐH Sư phạm kỹ thuật, cả làng Phụng Tường ai cũng vui mừng. Bà Ổn tất nhiên vui lắm, nhưng cũng lo lắng, không biết lấy đâu ra tiền để đóng học phí, trả tiền trọ, tiền ăn... cho con đi học. Đêm nào bà cũng nằm khóc một mình và không thể nào chợp mắt. Còn Vinh thì bỏ đi làm thuê để kiếm tiền đi học. Cả làng ai cũng thấy thương cho hoàn cảnh gia đình bà nên mỗi người đóng góp một ít. Bà Ổn đem 3 sào ruộng sang nhượng cho người khác và vay mượn thêm để đủ chi phí cho Vinh học năm đầu. Trước khi Vinh nhập học (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật ở Thủ Đức) bà con trong xóm đến động viên Vinh “Gia đình khó khăn, con cố gắng học để không phụ lòng mẹ và cho lớp nhỏ làng mình noi gương”.

 

Ông Nguyễn Quân, phó trưởng thôn Phụng Tường 1: “Thôn Phụng Tường lâu nay cũng có nhiều gia đình có con em học đại học nhưng gia đình bà Ổn là một trường hợp rất đặc biệt. Bà tuy nghèo, nhưng quyết tâm cho con ăn học và các con bà học rất giỏi. Gia đình bà Ổn là tấm gương cho các gia đình khác noi theo”.

Vinh vừa đi học, vừa đi làm thêm nên mỗi tháng bà Ổn chỉ gửi thêm từ 200.000-250.000 đồng. Ba năm sau, con gái Nguyễn Thị Bích Ngọc của bà Ổn thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP HCM. Để có tiền gửi cho con, bà đành bỏ quê xuống TP Tuy Hoà thuê phòng ở trọ để tiện làm thêm.

 

Thấy bà hiền lành, chân chất và thật thà nên chủ nhà cho thuê rẻ. Hằng ngày, bà mua sỉ bánh xèo rồi gánh đi bán. Để chuẩn bị đi bán sớm, bà thức dậy từ 4 giờ sáng và công việc thường kết thúc vào 22 giờ đêm. Bao năm qua, bà quen với giờ giấc ấy, nắng mưa, đau ốm, bà cũng không bỏ công việc.

 

Tiền vốn bỏ ra để mua bánh, mua dầu, chà bông,  ớt, khoảng 100.000 đồng. Để kiếm  được 20.000 đồng/ngày thì bà phải bán hết 750-800 cái  bánh xèo. Nhưng đâu phải ngày nào cũng kiếm được ngần ấy. Những ngày mưa gió, ít người mua, bánh còn nhiều, bà phải bán rẻ lấy lại vốn, còn không thì đem về nhà, coi như hôm đó ăn một bữa “sang”!

 

Đầu năm 2006, con trai cả của bà Ổn ra trường, đứa con gái vào học năm thứ ba thì thằng út Nguyễn Hữu Quyến thi đậu vào khoa Cơ khí của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

 

Cái nghèo dường  như chưa bao giờ cất bước ra khỏi gia đình bà. Nhọc nhằn cùng cuộc mưu sinh là thế nhưng bà chưa bao giờ quên gieo vào các con niềm lạc quan. Bà bảo: Ráng cho con cái học để sau này tụi nó không còn đói khổ như mình.

 

Tôi tin rằng rồi hạnh phúc sẽ mỉm cười với bà mẹ tảo tần và giàu nghị lực.

 

NGUYỄN VĂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek