Thứ Tư, 27/11/2024 07:43 SA
Điểm tô cho mùa Tết
Thứ Năm, 21/12/2006 07:03 SA

Đã qua hăm ba tháng mười âm lịch, vơi bớt nỗi lo về gió mưa, bão lụt. Tuy nhiên, thời tiết năm nay thay đổi, ít mưa, nắng nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ cho các nhà vườn cây cảnh. Tuy vậy, với kinh nghiệm sẵn có và sự trợ giúp của các loại thuốc, các nghệ nhân cây cảnh đã bắt tay vào chuẩn bị một mùa hoa tết Đinh Hợi 2007 rực rỡ sắc màu…

 

061221-cay-canh.jpg

Nghệ nhân Nguyễn Thị Quyên đang thực hiện tác phẩm cây cảnh - Ảnh: H.T.T

 

NĂM NHUẦN, PHẬP PHỒNG LO MAI NỞ SỚM

 

Mai vàng là hình ảnh không thể thiếu của mùa xuân, ngày Tết phương Nam cũng như hoa đào không thể thiếu đối với người phương Bắc. Thường bắt đầu vào tháng Chạp, trời nắng hanh, gió thổi nhẹ mang theo tiết trời lành lạnh, mai sẽ được người trồng cho xuống hết lá để lộc biếc, nụ vàng khoe sắc. Năm nay, giới trồng cây cảnh khá điêu đứng vì là năm nhuần tăng một tháng, mùa mưa lại hạn khô, nhiều nắng, các loại sâu bệnh phát triển. Không riêng gì nhà vườn Phú Yên mà từ Đà Nẵng vào Khánh Hòa, người trồng hoa đều lo sốt vó vì mai ra hoa sớm, lá vàng sậm. Rất may chưa có những đợt sương muối kéo dài, nếu không thì sẽ phải đợi đến giữa tháng Chạp năm sau, mai vàng ở Bình Kiến, phường 9 (TP Tuy Hòa) mới theo chân khách buôn đi các nơi mừng xuân, đón Tết.

 

Anh Lương Ngọc Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cây cảnh Phú Yên, một người trồng mai lâu năm, cho biết: “Năm nay do thời tiết thay đổi, nắng nhiều, mưa giảm và năm nhuần nên mai cảnh ra hoa sớm. Câu lạc bộ có gần 20 nghệ nhân chuyên trồng loại cây này đang sốt cả ruột, không khéo thì giảm hơn nửa số lượng mai vào vụ Tết, lỗ công nặng!”. Không riêng gì anh Tâm, vườn mai của Cao Hữu Hưng, Trần Văn Luân, của Truyền, Phú, Hiền… cũng rơi vào trường hợp tương tự. Phương cách bảo tồn  hoa mai truyền thống đã được áp dụng: Ngắt hết các nụ hoa nở sớm, chuẩn bị chống sâu bệnh và “thủ sẵn” các loại thuốc tăng trưởng. Năm nào các nhà vườn cũng không quên “trông trời, trông nước, trông mây” để kịp dưỡng mai, kích thích hoa nở “trúng” Tết. Mai xuân đa số ra hoa trước Tết, vào khoảng 23 tháng Chạp. Vì vậy, cần phải loại bỏ các chùm hoa nở dở dang để giữ nụ nhỏ và tưới đều nước. 30 Tết, mai sẽ hé nụ đón năm mới.

 

CÂY CẢNH RỤC RỊCH CHUẨN BỊ

 

Sau các loại hoa “truyền thống” như mai vàng, quất, cúc, thược dược, hồng, vạn thọ…, cây cảnh cũng được ưa chuộng nhiều. Giá của nó rất đắt, nếu đúng nghĩa là cây cảnh nghệ thuật (căn cứ vào vóc dáng, hình thể, tuổi thọ). Ngoài những cây cảnh của Phú Yên như sam, sanh, linh sam, da đá, trắc dây… còn có các loại cây cảnh ở vùng khác đưa về như cần thăng, mai chiếu thủy, sanh Trung Quốc, gừa Đài Loan, kim quýt… những cây cảnh quý trên được trưng bày trong Hội hoa Xuân hàng năm ở khu vực riêng cho khách thưởng ngoạn.

 

Mai vàng vào vụ Tết, cây cảnh, từ bon sai đến kiểng đại cũng rục rịch chuẩn bị. Các nhà vườn đã lần lượt thay chậu, tỉa cành, hái lá cũ, già héo. Và đến tháng Chạp phải đắp lớp rêu mới phủ lên toàn mặt chậu để nổi bật bộ rễ, hợp với lá non tơ mới, phần chính của cây cảnh. Cây cảnh thường đa dạng thế, từ cây trực (thẳng), cây hoành (nghiêng), cây bạt phong – thác đổ (rũ thấp). Cây phải đạt đến độ tinh tế là làm sao cho người xem cảm nhận vẻ đẹp, như nó đang đứng giữa thiên nhiên, nhờ đôi bàn tay và sự sáng tạo của nghệ nhân. Những người sưu tầm cây cảnh như Đặng Thái Hiền, Cao Hữu Hưng, Thọ (phường 4), Trần Văn Luân (phường 2), Võ Truyền (phường 5)… có khá nhiều tác phẩm đẹp và mỗi dịp xuân về, các nhà vườn ở tỉnh khác đều đến liên hệ mua bán.

 

VÀ CÁC THỂ LOẠI NGHỆ THUẬT KHÁC

 

Hơn 50 thành viên của Câu lạc bộ Cây cảnh cũng đã chuẩn bị dần công việc của mình. Nữ nghệ nhân Nguyễn Thị Quyên (phường 9) là người đầu tiên hoàn thành non bộ và tiểu cảnh. Vào tháng 7, khi những đợt mưa nhỏ bắt đầu rắc hạt là đã ghép đá theo chủ đề định sẵn cho phù hợp bồn chậu. Qua đợt mưa, lớp rêu cỏ đã phủ kín trên mạch đá ghép và cây ghép đá đã xanh tốt. Còn ông Nguyễn Trọng Đoan (phường 6) đã dưỡng phong lan trong vườn, nhất là loại quý hiếm. Sứ cảnh, xương rồng có loại phải dùng thuốc kích thích, có loại phải xuống lá sớm và phơi nắng tạo thân nhiệt cao cho hoa ra nhiều sắc màu. Người nuôi chim cảnh, cá cảnh đã sơn lồng, ghép hồ, chuẩn bị cho thuần nước.

 

Có hai “thể loại” được xem là nhẹ nhàng nhất nhưng đòi hỏi tính nghệ thuật cao, đó là rễ khô tạo dáng và đá cảnh. Rễ khô tạo dáng (gỗ lũa) thường sử dụng cây chết có hình dáng. Sau khi tách vỏ, gọt dũa, người ta cắt bỏ phần thừa, đánh bóng và đặt chủ đề tác phẩm. Ông Nguyễn Xuân Tiến (phường 4) và Nguyễn Chảnh (phường 9) là hai nghệ nhân có nhiều tác phẩm được trưng bày hàng năm. Hiện cả hai đang chọn lựa những gốc rễ cây ưng ý để chuẩn bị cho vụ Tết. Đá cảnh là thú chơi mới nhất, được đưa vào rầm rộ trong Hội hoa xuân 2006. Chi hội đá cảnh Phú Yên đã được thành lập. Những năm trước, đá cảnh phải lấy từ Đà Nẵng, Bình Định đem về và giá khá đắt. Đá cảnh Phú Yên từ sông Ba Hạ có nhiều, chất lượng cao, nhiều màu sắc, hình dáng và vân đá đẹp. Đá cảnh mang về, làm sạch, phun dầu, đặt đế và tạo chủ đề thì sẽ thành một tác phẩm đẹp. Hiện nay, người chơi đá cảnh đã nhiều.

 

Sau hăm ba tháng mười âm lịch, các nghệ nhân, các nhà vườn đã rộn ràng chuẩn bị cho ngày Tết. Những người làm đẹp cho đời này đang tất bật ngày đêm để chuẩn bị đón một mùa xuân về. Và trong Hội hoa xuân truyền thống hàng năm của tỉnh Phú Yên, kể cả những năm nhuần đầy lo toan, trăn trở như năm nay, mai vàng sẽ vẫn đơm hoa khoe sắc bên cạnh những cây cảnh mới lạ, hòa vào sự rộn ràng náo nức của xuân về.

 

HUỲNH THẠCH THẢO

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek