Túi ni lông mang lại nhiều tiện ích, thế nhưng bên cạnh đó, tình trạng xả thải quá mức túi ni lông đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Để hạn chế việc sử dụng túi ni lông, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của túi ni lông, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai mô hình trồng cây chuối lấy lá…
Phụ nữ xã Hòa Trị đem giỏ nhựa và lá chuối đi chợ để gói thực phẩm thay túi ni lông - Ảnh: N.QUỲNH
Nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni lông và cảnh báo về những tác hại của loại túi này đối với sức khỏe con người và môi trường, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều buổi truyền thông tại các huyện, thị, thành phố. Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Hòa Phan Thị Thúy Hằng nói rằng: “Cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, nhất là phụ nữ. Bởi chị em là người trực tiếp xử lý rác thải trong gia đình và cộng đồng, nhất là ở các vùng nông thôn chưa thể tổ chức được lực lượng thu gom rác thải như khu vực đô thị. Vì thế, nâng cao ý thức của chị em trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông, xử lý rác thải bảo vệ môi trường là vấn đề mà huyện hội đặc biệt quan tâm”.
Chị Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Trị (Phú Hòa) cho biết: “Hòa Trị là địa phương duy nhất trong tỉnh thực hiện mô hình điểm về trồng cây lấy lá sử dụng để thay túi ni lông do Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai. Chúng tôi rất phấn khởi vì thông qua mô hình này, chị em trong xã được trang bị những kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, về tác hại của việc sử dụng túi ni lông đối với sức khỏe con người”. Chị Hòa phấn khởi cho hay, sau gần một năm triển khai, Hội LHPN xã đã thành lập được một CLB Trồng cây chuối lấy lá sử dụng thay túi ni lông thu hút đông đảo chị em ở địa phương tham gia. Điều kiện để tham gia CLB là gia đình phải trồng chuối để đem lá đi chợ gói thực phẩm và phải duy trì thói quen mang giỏ nhựa đi chợ hàng ngày. Chị Hòa nói: “Việc hạn chế sử dụng túi ni lông cần phải bắt đầu từ ý thức của các bà nội trợ. Chính họ là người sẽ dạy cho con em trong gia đình về ý thức bảo vệ môi trường ngay từ lúc nhỏ, bằng những hành động thiết thực”.
Theo các tài liệu khoa học, thời gian phân hủy túi ni lông trong tự nhiên mất khoảng 500-1.000 năm. Sự tồn tại của nó trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới sức khỏe con người. |
Hiện nay, không ít phụ nữ vẫn chưa hiểu hết mức độ ảnh hưởng nguy hiểm của túi ni lông đến sức khỏe con người và môi trường. Chị Lê Thị Lan ở xã Hòa Trị thổ lộ: “Lâu nay, tôi cũng như nhiều chị em ở đây chỉ nghe báo đài nói về tác hại của túi ni lông một cách chung chung. Nhưng từ ngày nghe Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN xã tuyên truyền cặn kẽ về vấn đề này, bây giờ tôi không những hiểu được tác hại nguy hiểm của túi ni lông đối với sức khỏe của con người mà còn biết cách thu gom, xử lý rác thải đúng cách, biết phân biệt thế nào là rác vô cơ, rác hữu cơ để từ đó xử lý hiệu quả hơn. Vì sức khỏe của chồng con mình, hàng ngày tôi đều dùng lá chuối để gói thực phẩm thay vì sử dụng túi ni lông như trước đây. Lá gói thực phẩm sau khi dùng xong thì đem đổ trong vườn nhà, sau này nó trở thành rác hữu cơ, còn dùng làm phân bón cho cây trồng rất tốt. Chỉ bằng một việc làm nhỏ là hạn chế sử dụng túi ni lông, mỗi người đã góp phần tích cực bảo vệ môi trường”.
Một tín hiệu đáng mừng là không chỉ riêng Hòa Trị mà ở nhiều địa phương trong tỉnh, phụ nữ đã có ý thức hơn trong việc thu gom rác của gia đình. Thay vì đem vứt bừa bãi ra môi trường xung quanh thì giờ đây họ tự tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp theo hướng dẫn, giữ đường làng ngõ xóm phong quang sạch đẹp. Phó chủ tịch Hội LHPN TX Sông Cầu Nguyễn Kim Long cho biết: “Hiện nay, phụ nữ trên địa bàn thị xã đã phân biệt được các loại rác thải. Rác thải công nghiệp như: túi ni lông, chai lọ bằng thủy tinh hoặc bằng nhựa… đều được chị em phân loại để bán phế liệu. Rác thải hữu cơ thì được chị em chôn lấp tại vườn nhà để làm phân bón cho cây, còn những rác thải vô cơ sẽ được chị em thu gom để mang ra xe đổ rác. Những hộ dân ở nông thôn, nhà ở trong ngõ sâu, xe rác không thu gom được thì thực hiện theo mô hình hố rác di động tại vườn nhà”. Hội LHPN TX Sông Cầu đang tích cực triển khai chương trình phân loại và xử lý rác thải ngay tại nguồn thải, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời giúp hội viên tận dụng, xử lý hiệu quả rác thải của gia đình mình.
THỦY VĂN - NHƯ NGUYỆN