Nghị định 54 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 68 hướng dẫn thực hiện phụ cấp thâm niên (PCTN) nhà giáo có hiệu lực từ cuối tháng 2/2012. Thế nhưng, đến nay chỉ có gần 4.000 trong tổng số hơn 14.000 giáo viên ở Phú Yên có quyết định nhận PCTN. Đáng nói là có gần 50% số giáo viên có nguy cơ “thâm hụt” hoặc mất PCTN, do “vướng” hàng loạt các quy định về biên chế, thất lạc hồ sơ, giấy tờ, ký hợp đồng một năm kéo dài…
Gần 50% số giáo viên đứng lớp ở Phú Yên có nguy cơ mất phụ cấp thâm niên - Ảnh: M.NGUYỆT
GIAN NAN PHỤ CẤP
Chính sách PCTN của Chính phủ thể hiện sự quan tâm, động viên, khích lệ và giao trách nhiệm của Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ nhà giáo trong việc giảng dạy; đồng thời góp phần giải quyết một phần khó khăn, cải thiện đời sống tinh thần, vật chất cho giáo viên. Do vậy, ngay từ đầu năm 2012, UBND tỉnh Phú Yên đã sớm phân bổ cho các đơn vị, địa phương đủ nguồn kinh phí dự kiến để chi trả PCTN cho hơn 14.000 nhà giáo trong tỉnh. Thế nhưng, theo ông Phạm Văn Dũng, Trưởng phòng Tổ chức công chức Sở Nội vụ tỉnh, tính đến thời điểm này, đơn vị chỉ mới phê duyệt và ký quyết định chi trả PCTN cho khoảng 4.000 giáo viên thuộc diện quản lý của Sở GD-ĐT, các huyện Phú Hòa, Sông Hinh, Tuy An, TP Tuy Hòa và Trường đại học Phú Yên.
Các huyện, thị xã còn lại triển khai lập hồ sơ nhà giáo được nhận PCTN quá chậm trễ và vẫn chưa trình cho Sở Nội vụ tỉnh phê duyệt! Đặc biệt, việc triển khai xét duyệt đối tượng, quy định là nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy lại phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Thực trạng này khiến hàng ngàn giáo viên mệt mỏi, chờ đợi hoặc khó khăn trong việc làm các thủ tục nhận PCTN.
NGUY CƠ GẦN 50% SỐ GIÁO VIÊN MẤT PHỤ CẤP!
Chị Phan Thị Tuyết Trâm, giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Viết Xuân (huyện Tuy An), bức xúc: “Tôi đứng trên bục giảng đã 10 năm, 8 năm đóng BHXH, nhưng vào biên chế của ngành mới 3 năm và không thuộc diện được hưởng PCTN là quá thiệt thòi”. Thực tế, theo ông Nguyễn Ngọc Đa, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT Phú Yên, có gần 50% số nhà giáo có nguy cơ mất hoặc “thâm hụt” PCTN. Nguyên nhân, phần lớn hồ sơ của giáo viên thiếu giấy tờ quyết định tuyển dụng; “vướng” hàng loạt các quy định buộc giáo viên phải có biên chế mới được hưởng PCTN. Trong khi đó, trước đây giáo viên dạy tập sự kéo dài từ 5-10 năm vẫn chưa có biên chế. Bên cạnh đó, do nhu cầu thiếu giáo viên bộ môn, giáo viên phổ cập ở các buôn làng miền núi, nên các địa phương hợp đồng số lượng lớn nhà giáo để giảng dạy trong suốt thời gian dài mới xét biên chế. Trong những năm 1996-2000, theo quy định, giáo viên thi tuyển vào ngạch biên chế giáo viên do Sở GD-ĐT ký quyết định, chứ hoàn toàn không có quyết định tuyển dụng của Sở Nội vụ hoặc UBND tỉnh. Vì vậy, giáo viên không thuộc biên chế để thụ hưởng PCTN như quy định của Nghị định 54/CP. “Thực tế này cho thấy, cần căn cứ vào sổ bảo hiểm xã hội của giáo viên để xét hồ sơ thụ hưởng PCTN là hợp lý, công bằng” ông Đa nói.
Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Hòa Trình Ngọc Mẫn, Phú Hòa là huyện tiên phong trong việc thực hiện chế độ PCTN nhà giáo. Nhưng hiện chỉ mới có 659 giáo viên được nhận PCTN; có đến 475 giáo viên phải “treo” hồ sơ, chứ chưa thể hưởng PCTN theo quy định. Thêm thực tế nữa là, hàng trăm giáo viên giảng dạy lâu năm, giỏi chuyên môn được điều từ các trường về làm chuyên môn, lãnh đạo các phòng và Sở GD-ĐT không thuộc diện được hưởng PCTN là bất hợp lý! Ông Mẫn lý giải: “Giáo viên giảng dạy được 30 năm sẽ nhận thêm 60% lương (hưởng mức PCTN là 30%, cộng thêm 30% phụ cấp đứng lớp); trong khi đó, một giáo viên giỏi cũng dạy 30 năm và được điều động về phòng giáo dục chỉ được hưởng 25% phụ cấp công vụ, tức là mất đến 35% lương)!.
“Để giáo viên không chịu thiệt thòi trong việc thụ hưởng PCTN, Sở Nội vụ sẽ thống kê từng trường hợp “vướng” giấy tờ, quyết định biên chế... để trình UBND tỉnh và đề nghị các bộ liên quan xem xét giải quyết”, ông Phạm Văn Dũng, Trưởng phòng Tổ chức công chức Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên cho biết.
LƯU PHONG