Đường vào xã An Nghiệp (Tuy An) được trải bê tông thẳng tắp. Bao bọc các khu dân cư là những cánh đồng lúa, bắp, dưa… xanh mướt. Cuộc sống người dân xã bán sơn địa này đang thay da, đổi thịt từng ngày.
Nhiều hộ dân ở xã An Nghiệp trồng xen canh dưa hấu trên ruộng lúa, nâng cao thu nhập - Ảnh: T.THỦY
Hỏi thăm một số cán bộ xã An Nghiệp về sự phát triển kinh tế trong những năm qua, chúng tôi đều nhận được từ họ các thông tin vui: tổng sản lượng lương thực có hạt đều đạt kế hoạch. Ngoài chăn nuôi số lượng lớn heo (gần 1.200 con), bò (2.700 con), một số hộ còn phát triển chăn nuôi nai, nhím, heo rừng; phát triển kinh tế trang trại… Các cơ sở buôn bán dịch vụ nhỏ lẻ cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Phó chủ tịch UBND xã An Nghiệp Châu Ngọc Quang cho biết: “Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp; giá cả một số mặt hàng tiêu dùng, vật tư thiết yếu phục vụ nông nghiệp tăng, giảm thất thường, gây khó khăn đến hoạt động sản xuất và chăn nuôi. Song, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, điều hành các ban, ngành và động viên nhân dân bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Xã An Nghiệp có 4 thôn với 1493 hộ. Tính theo tiêu chí mới, đầu năm 2011, xã có 413 hộ nghèo (27,66%), đến cuối năm còn 343 hộ nghèo (22,97%). Chỉ tiêu phấn đấu của An Nghiệp đề ra trong xây dựng nông thôn mới là giảm 4,5% hộ nghèo mỗi năm. |
Nói đến phát triển kinh tế, ông Nguyễn Trọng Liêm, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã An Nghiệp, cho rằng: “Suốt thời gian dài, các đoàn thể luôn quan tâm, phối hợp tốt với các ngân hàng cho bà con hộ nghèo vay vốn làm ăn. Từ đó bà con có ý thức hơn trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là chăn nuôi bò, trồng dưa hấu”. Hộ ông Tống Thái Nguyên ở thôn Trung Lương 2 là hộ nghèo. 3 năm trước gia đình ông được xóa nhà tạm theo Chương trình 167. Sau đó, ông được vay vốn ngân hàng để trồng dưa hấu trên đất ruộng. Giờ kinh tế ổn định, ông có điều kiện lo cho các con ăn học.
Ngoài trồng lúa, mía; chăn nuôi heo, bò… hiện nay, bà con xã An Nghiệp còn nhân rộng mô hình nuôi nai, nhím. Đặc biệt, ở các vùng 12, 13 (thôn Trung Lương 2), những năm trước cây mía giá cả bấp bênh, người dân chuyển đổi sang nuôi bò lai sinh sản, trồng chuối và phát triển hoa màu khác cho thu nhập cao. Các hộ Nguyễn Xuân Tình, Võ Thành Trung phát triển chăn nuôi bò, cây màu, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Quế, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trung Lương 2, nhiều năm liền được bầu là nông dân tiêu biểu, sản xuất giỏi cấp huyện.
Theo ông Nguyễn Ngọc Chính, cán bộ Ban Thương binh - Xã hội xã An Nghiệp, hoạt động giảm nghèo đang triển khai ở các thôn. Các đoàn thể vận động, tạo điều kiện cho hộ nghèo được học cách trồng nấm, chăn nuôi, thú y, điện dân dụng, nuôi bò sinh sản; cho vay vốn làm ăn; hỗ trợ chi phí học tập; bảo trợ xã hội thường xuyên. Đặc biệt, xã rất chú trọng đến giải quyết việc làm; giải quyết kịp thời các chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công; xây dựng và sửa chữa nhà ở từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
Diện mạo của nông thôn thay đổi nhờ phong trào làm giao thông nông thôn ở đây rất tích cực. Các đường liên thôn, liên xóm hầu như được bê tông từ sức đóng góp của dân. Kinh tế phát triển, kéo theo sự phát triển các hoạt động xã hội ở địa phương này như hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS, y tế xã đạt chuẩn quốc gia, phù hợp với trẻ em. Trường tiểu học An Nghiệp đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1.
Theo ông Châu Ngọc Quang, sắp tới, xã tập trung phối hợp vận động để mở nhiều lớp dạy nghề phổ thông phù hợp; trang bị khoa học kỹ thuật tiên tiến giúp bà con phát huy kinh tế hộ gia đình; tiếp tục triển khai trồng cây theo dự án và trồng rừng kinh tế…
THU THỦY