Thứ Tư, 09/10/2024 07:27 SA
Nghề cho người khuyết tật nghèo
Thứ Sáu, 13/07/2012 13:30 CH

Dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy nghề cho người khuyết tật càng khó khăn hơn. Do vậy, việc lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp cần quan tâm để cho người khuyết tật dễ tiếp thu và hành nghề có hiệu quả.

 

chi-ngoan120713.jpg

Chị Trương Thị Ngoan dù chỉ còn một cánh tay trái nhưng vẫn có nghề trồng rau để mưu sinh - Ảnh: K.CHI

Theo khảo sát mới đây của Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, đa số người khuyết tật thường sống ở các vùng nông thôn, phụ thuộc vào gia đình hoặc ở trong các trung tâm bảo trợ xã hội, trình độ học vấn thấp. Vì vậy, việc đào tạo để họ có nghề nghiệp ổn định, tự nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, thời gian đào tạo nghề cho người khuyết tật thường kéo dài hơn người bình thường từ 2 đến 3 lần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người khuyết tật hạn chế trong làm việc và giao tiếp xã hội.

 

Ông Vũ Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, cho biết: Hiện nay, định kiến xã hội và nhận thức cộng đồng đối với người khuyết tật vẫn còn là vấn đề đáng bàn. Mặt khác, do các thành viên trong gia đình dành quá nhiều tình thương dẫn đến người khuyết tật thường có tâm lý thiếu tự tin khi tham gia các hoạt động xã hội, trong đó có cả vấn đề học nghề. Bên cạnh đó, các yếu tố cần thiết của xã hội dành cho người khuyết tật còn bất cập, như phương tiện giao thông, các khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng; các trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật còn thiếu định hướng nghề nghiệp, cộng với những trở ngại trong việc đi lại là những rào cản cơ bản.

 

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã hỗ trợ dạy sơ cấp nghề cho 283 người nghèo, dạy nghề dưới 3 tháng có 381 người nghèo tham gia học các nghề như: sửa chữa ống nước, hàn gò, vận hành máy đào, điện dân dụng, mộc, kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm, kỹ thuật trồng trọt, trồng mía, nấm, sản xuất hàng mây tre đan… Thế nhưng, số người khuyết tật theo học nghề trên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi lẽ, dạy nghề cho người khuyết tật rất khó, đặc biệt là chọn nghề phù hợp lại càng khó hơn, nên rất ít người thành công khi học nghề.

 

Hiểu được những khó khăn khi tham gia học nghề của người khuyết tật, thời gian qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Phú Yên đã triển khai các mô hình phù hợp cho đối tượng tàn tật trong toàn tỉnh, trong đó, mô hình kỹ thuật trồng rau an toàn triển khai ở huyện Tuy An đã giúp cho 20 hộ có người tàn tật thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Chị Trương Thị Ngoan ở thôn Hòa Đa (xã An Mỹ), bị mất một cánh tay phải khi đang làm công việc ép mía. Cánh tay trái còn lại, sau một thời gian dài chạy chữa khắp nơi, chị cũng đành bất lực. Sau tai nạn đến nay, chị gắn bó với vườn rau và nuôi vài con gà. Chị Ngoan tâm sự: “Gia đình không cho tôi làm việc nhưng tôi vẫn còn sức khỏe, có thể làm các việc phù hợp để cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”. Năm ngoái, chị được tham gia lớp học kỹ thuật trồng rau an toàn, nhờ đó mà vườn rau của chị lúc nào cũng xanh mướt, ngày nào cũng có lá hẹ, củ hành tốt để thu hoạch, có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

 

Ông Vũ Thanh Bình, nói: Tìm một nghề phù hợp cho người tàn tật không phải là điều đơn giản, vì họ không được lành lặn như những người bình thường, lại hay tự ti, mặc cảm với bệnh tật của mình. Họ thiếu các kỹ năng nghề cũng như các kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm và kỷ luật. Đối với những ngành thủ công đơn giản đã có nhiều người theo học thì cơ hội việc làm dành cho người khuyết tật rất thấp bởi tính cạnh tranh cao. Từ những đặc điểm chung của người khuyết tật, mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại cộng đồng cần bổ sung thêm các hoạt động phụ trợ để tạo ra môi trường thích ứng hơn với đối tượng này. Qua đó, công tác giáo dục hòa nhập và dạy nghề cho người khuyết tật được xã hội hóa, có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, đoàn thể tại các địa phương.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek