Thứ Tư, 09/10/2024 09:28 SA
Muôn nỗi mưu sinh bằng hát rong, bán kẹo
Thứ Sáu, 13/07/2012 08:35 SA

Thời gian gần đây, trên các con phố của Tuy Hòa thường xuất hiện nhiều thanh niên làm nghề hát rong, bán kẹo. Khi ánh đèn buông xuống, với một chiếc xe máy cùng một cái loa chạy bằng điện ắc quy, những “giọng ca đường phố” lại tất bật lao vào cuộc mưu sinh.

 

chan-dung120713.jpg

Một thanh niên hát rong, bán kẹo ở bờ kè Bạch Đằng (TP Tuy Hòa) - Ảnh: H.MY

“CŨNG ĐÀNH XIN LÀM NGƯỜI HÁT RONG…”

 

Huỳnh Văn Thành ở thôn Hiệp Đồng (xã Hòa Xuân Đông, Đông Hòa) lớn lên đã không may mắn như bao người bình thường. Năm một tuổi, sau khi trải qua cơn bạo bệnh, anh bị mù đôi mắt. Bố mẹ làm nông, gia đình nghèo, phải chật vật lắm mới nuôi đủ 7 miệng ăn, không chạy đâu ra tiền chữa bệnh cho Thành. Không buông xuôi số phận, Thành bôn ba vào TP Nha Trang mưu sinh bằng cách làm nhân viên cho một cơ sở massage của Hội Người mù. Tại đây, anh đã gặp cô gái mù Dương Thị Phấn cùng quê. Giữa những mất mát, hai mảnh đời bất hạnh tìm thấy nhau và nên duyên vợ chồng. “Chúng tôi đã có một cậu con trai 4 tuổi. Nhưng cuộc sống của hai vợ chồng rất khó khăn, lại bị khiếm thị, không việc làm. Thấy hoàn cảnh của tôi đáng thương, cuối năm 2010, một người bạn rủ tôi cùng ra Tuy Hòa lập gánh hát di động, bán kẹo mưu sinh. Trời lấy của tôi đôi mắt, nhưng bù lại, ông phú cho tôi một giọng ca truyền cảm nên đi đến đâu bán kẹo cũng được mọi người thương, ủng hộ”, anh Thành tâm sự.

 

Giới hát rong đường phố ở Tuy Hòa có không ít người là sinh viên. Ban ngày đi học, chiều về, họ mua nguyên liệu về làm kẹo kéo, rồi tối đến đi hát, bán kẹo. Đỗ Ngọc Khỏe ở xã Hòa Đồng (Tây Hòa), sinh viên năm 2 Trường cao đẳng Nghề Phú Yên bộc bạch: “Bố mẹ tôi đều làm nông, gia cảnh khó khăn nên ngoài giờ học, tôi hát rong, bán kẹo kiếm tiền trang trải học phí. Tôi cùng một anh nữa thuê lại dàn loa và xe máy của một anh trước đây từng làm nghề này, rồi tối đến, chạy dọc các quán nhậu mưu sinh. Trong khi anh hát, thì tôi cầm kẹo đến từng bàn nhậu mời khách mua kẹo ủng hộ. Một đêm, chúng tôi đi khoảng hai chục điểm, có khi một điểm đi qua đi lại đến 2-3 lần. Ở khu tôi trọ gần Bến xe liên tỉnh, có nhiều sinh viên của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cũng làm nghề này”. Còn Nguyễn Văn Hưng, ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa), học Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, thổ lộ: “Hồi đầu đi hát, tôi chỉ sợ gặp người quen, mặt cứ cúi gằm xuống đất. Thế rồi, lâu dần cũng thành quen, với lại, suy nghĩ mình đâu có đi ăn xin, mình lao động kiếm sống bằng cách chân chính, tôi lại đàng hoàng tiếp tục lang thang khắp các quán hát dạo và bán kẹo”.

 

ĐẮP ĐỔI QUA NGÀY

 

Ở TP Tuy Hòa, hiện có khoảng gần 10 nhóm hát di động. Các nhóm này hoạt động vào cuối giờ chiều cho đến tối, thường ở những khu vực quán tập trung đông người. Đây cũng là thời điểm “ăn nên làm ra” của những “ca sĩ” lấy đường phố làm sân khấu, khách nhậu làm khán giả. Đồ nghề của các thanh niên hát rong bao gồm một chiếc loa to chạy bằng điện của bình ắc quy, micro và các loại kẹo (kẹo sigum và kẹo kéo). Anh Đỗ Ngọc Khỏe tâm sự: “Đồ nghề tuy đơn giản, nhưng “tậu” bộ mới cũng hơn 7 triệu đồng. Những lúc đang hát, gặp trời mưa, chúng tôi đành để người ướt, nhường áo mưa che máy móc”.

 

Vì đối tượng khách hàng rất đa dạng nên các gánh hát rong đường phố, ngoài việc “tủ” sẵn một vài bài hát ở tất cả các thể loại nhạc từ tiền chiến, nhạc vàng đến nhạc trẻ, còn phải cập nhật liên tục những bài hát đang “ăn khách” trên thị trường âm nhạc hiện nay. Cho nên, các “giọng ca” cũng phải bỏ thời gian để chọn lọc, tập luyện và làm mới mình để tránh nhàm chán cho khán giả hoặc hát sai lời. Anh Trần Văn Lộc ở xã Hòa An (Phú Hòa) tâm sự: “Hôm nào bán đắt lắm, thu nhập cũng được gần một trăm ngàn đồng. Hôm nào “ế”, hát đến khi các quán đóng cửa cũng chỉ vài chục ngàn. Trừ đi các chi phí xăng dầu, điện thì chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Có khi, đang di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác thì xe bị hỏng lốp giữa chừng, đành phải chịu lỗ ngày hôm đó. Đã vậy, nhiều khách hàng thấy thương, họ mua kẹo và cho cả tiền, còn nhiều người không thích, họ tỏ ra khó chịu và gắt gỏng đuổi. Những lúc đó, dẫu trong lòng rất tự ái, buồn nhiều, nhưng vì hoàn cảnh, chúng tôi lại phải đóng “mặt dày” tiếp tục hát và bán”.

 

Anh Trần Tấn, chủ quán Hoàng trên đường kè Bạch Đằng cho biết: “Mỗi người đều có một cách mưu sinh, miễn sao cách mưu sinh đó đàng hoàng và đứng đắn, cho nên, đa số các quán nhậu ở đây đều tạo điều kiện cho các “giọng ca” hát rong và bán kẹo. Tuy nhiên, trong quá trình bán hàng, các “giọng ca” hát rong không nên quá chèo kéo khách hàng, gây ra tâm lý không thoải mái cho họ. Ngược lại, khách hàng, nếu không muốn mua kẹo ủng hộ thì cũng đừng tỏ ra gắt gỏng, quát tháo những người hát rong, bán hàng này vì dẫu sao họ cũng đang mưu sinh chính đáng, cần có thu nhập để trang trải cuộc sống. Mỗi người nên đặt vào vị trí của nhau để thông cảm, sẻ chia thì nghề hát rong, bán kẹo này sẽ trở thành một nghề thú vị”.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek