Nuôi các con học hành thành tài, đó là ước mơ lớn của các bậc làm cha làm mẹ. Đối với vợ chồng ông, bà Phạm Trọng Y, Ngô Thị Sơn Sơn ở thôn Quy Hậu (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) ước mơ ấy giờ đã thành hiện thực. Nhưng điều khiến vợ chồng ông hạnh phúc hơn cả là sau khi thành đạt, các con đã hướng về quê nhà giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…
Niềm vui của vợ chồng ông Y khi nhìn lại thành tích học tập của các con - Ảnh: N.DUNG
Về xã Hòa Trị nghe chị Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ phụ trách công tác Dân số - gia đình - trẻ em ở đây nói rằng, ở Hòa Trị có thể con cái của nhiều người cũng học hành giỏi giang, thành đạt, nhưng không phải ai cũng được như các con của ông Y. “Cái được” ở đây theo chị Hạnh là cậu con trai đầu Phạm Trọng Đuy Lăng sau khi học hành thành tài, rất “biết nghĩ” đến xã nhà. Cụ thể, sau cơn lũ năm 2008, Lăng đã vận động đồng nghiệp công ty ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 100 suất quà (200.000 đồng/suất) hỗ trợ bà con nghèo ở địa phương; hay như năm 2010, Lăng vận động hỗ trợ gia đình em Bùi Quang Thắng- thuộc diện nghèo ở thôn Quy Hậu 20 triệu đồng để mổ tim cho em; cuối năm 2011, Lăng vận động 14 suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn xã Hòa Trị, với tổng trị giá 28 triệu đồng… Tấm lòng ấy, nghĩa cử ấy của Lăng luôn khiến cho chị Hạnh, bà con ở vùng quê nghèo này nhớ đến.
Chúng tôi mang câu chuyện về người thanh niên tốt bụng này tìm đến ngôi nhà của vợ chồng ông Phạm Trọng Y và bắt gặp niềm vui tràn ngập trong ánh mắt của họ khi nói đến chuyện này. Sau hơn 30 năm vất vả nuôi con khôn lớn, học hành thành tài, ngày hôm nay, họ cảm thấy thật sự vui mừng khi các con ngày càng trưởng thành, nhất là cậu con trai là người có tấm lòng, biết thương yêu, sẻ chia với những người không may mắn. Với ông, đó là may mắn của gia đình.
Ông Y hồi tưởng: “Quãng thời gian nuôi thằng Lăng, cũng như con Yên, Trà, Thảo ăn học, vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn. Khó đến nỗi có mấy sào ruộng khoán, tôi cũng đem bán cho người ta”. Đến giờ, ông Y, bà Sơn vẫn còn nhớ, cậu con trai Đuy Lăng lúc ấy đang là sinh viên Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh gửi thư báo cho ba mẹ rằng, nhà trường buộc sinh viên phải nộp học phí mới được thi học kỳ, trong khi thời hạn nộp chỉ còn đúng một ngày. Không chần chừ một giây, vợ chồng ông bán ngay chiếc ti vi là tài sản đáng giá nhất lúc ấy. Ngay chiều hôm đó, ông lên xe vào TP Hồ Chí Minh mang tiền cho con kịp nộp học phí. Bà Sơn nói rằng, hồi ấy cuộc sống gia đình túng bấn đến nỗi thậm chí có hôm trong nhà không có gạo nấu, nhưng chưa bao giờ vợ chồng bà từ bỏ ý định cho các con ăn học thành tài.
Trong số 4 người con của ông bà, thì người con trai đầu Đuy Lăng và hai cô em gái Phương Trà, Phương Thảo đều tốt nghiệp đại học, chỉ có Phương Yên là học hành dở dang, ở nhà góp sức cùng ba mẹ làm lụng lo cho anh em mình ăn học. Hồi năm 1997, cứ mỗi tháng vợ chồng ông gửi cho con 450.000 đồng (trị giá hơn một chỉ vàng thời ấy). Nhưng ngày ấy, không có chuyện các gia đình khó khăn được vay vốn học sinh - sinh viên như bây giờ, nên túng đến nỗi, nhà có ba lô đất làm vốn, lần lượt vợ chồng ông đem bán hết. Thời ấy dù khó khăn nhưng vợ chồng ông vẫn luôn có ý nghĩ, nếu vì chuyện học hành của con cái, vợ chồng ông sẵn sàng bán cả ngôi nhà đang ở để ra nghĩa địa cắm lều ở tạm. Cũng may sau những tảo tần chạy chợ, nấu rượu, nuôi heo… của hai vợ chồng, họ cũng có được ít tiền. Những năm sau này cuộc sống đỡ ngặt hơn, nhất là sau khi Đuy Lăng tốt nghiệp đại học, xin được việc làm, Đuy Lăng góp sức cùng ba mẹ hỗ trợ học phí cho hai cô em gái.
Đặt niềm tin, hy vọng về tương lai tươi sáng vào các con, bây giờ sau những năm tháng nhọc nhằn của cuộc đời, vợ chồng ông Y cảm thấy mãn nguyện khi những hy sinh của mình được đền đáp. Điều mà họ cảm thấy hạnh phúc là Đuy Lăng và Phương Yên hiện đã yên bề gia thất, có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Và không chỉ Lăng mà Trà, Thảo sau khi ra trường cũng đã có công việc ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, gia đình họ lúc nào cũng trong ấm ngoài êm, luôn đặt hiếu nghĩa làm trọng.
NGỌC QUỲNH