Thứ Ba, 26/11/2024 11:51 SA
Nghĩ về gia huấn và gia phong đất Phú
Thứ Năm, 28/06/2012 07:31 SA

Đất nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó cũng là thời kỳ cấu trúc lại xã hội, gắn với nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của con người. Công nghiệp hóa đã tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa, làm chuyển đổi nếp sống lâu đời trong nhiều gia đình. Đồng thời, với công nghiệp hóa, cơ chế kinh tế thị trường đem lại lợi ích và nhiều giá trị cho cuộc sống gia đình nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức và cạnh tranh gay gắt trong đời sống xã hội.

mung120628.jpg

Chúc thọ ông bà, nét đẹp đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong gia lễ của dân tộc ta - Ảnh: N.TRƯỜNG

Sự hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa thế giới diễn ra mạnh mẽ tạo ra nhiều hiệu quả tích cực nhưng cũng đặt gia đình Việt Nam trước những thách thức mới. Tỉ lệ gia đình ly hôn, ly thân ngày càng gia tăng; hiện tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân và nạo phá thai đang là nguy cơ đe dọa sự bình yên trong nhiều gia đình. Tình trạng xung đột và bạo lực gia đình đang có xu hướng gia tăng. Vấn đề giá trị đạo đức và giáo dục các giá trị đạo đức xã hội đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không ít người lại đề cao việc làm giàu, không quan tâm đến giá trị đạo đức, làm điều bất chính gây đau khổ cho người khác. Nhiều bậc cha mẹ mãi lo làm kinh tế, thiếu chăm sóc, giáo dục con để lại hệ quả có tính xã hội sâu sắc, tạo nên một số người không được hoàn thiện về nhân cách.

Từ thực trạng đó, thử nhìn lại gia huấn và gia phong đất Phú cùng hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no trong thời kỳ công nghiệp hóa. Gia huấn là việc giáo dục con cháu trong gia đình. Gia phong là đề cập đến nếp nhà, kết quả của quá trình giáo dục gia đình, là cốt lõi của văn hóa gia đình - bộ phận hợp thành văn hóa dân tộc. Đó là phong cách sống của gia đình, là quy cách ứng xử trong gia đình và xã hội, là điều con cháu luôn phải giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, không được phép làm điều gì tổn hại đến gia phong; làm nhục gia phong là phạm vào gia pháp và phải bị trừng phạt.

Khi nói đến gia đình có nề nếp, con cái được giáo dục, biết lễ nghĩa, kính trên, nhường dưới, hòa thuận, thành đạt về học vấn và nhân cách, được nhiều người mến phục và nêu gương,… đó là gia đình có gia huấn và gia phong.

 

Gia huấn trong gia đình từ xưa có nhiều nội dung, song có bốn nội dung cơ bản là: giáo dục phụ tử tình thâm, giáo dục nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, giáo dục bổn phận làm con và giáo dục lễ nghĩa trong gia đình.

 

Giáo dục phụ tử tình thâm: nói về tình yêu thương của cha mẹ đối với con bao giờ cũng đậm đà tình nghĩa và thiêng liêng nhất. Đã làm cha mẹ thì dù trong hoàn cảnh giàu nghèo, sang hèn cũng hết lòng thương yêu con, nuôi dạy con nên người. Sử dụng cả cách dạy “thương cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi”, “không giáo đa thành oán” và theo quy tắc “mũi dại, lái chịu đòn”. Khi con đã lớn khôn thì phải ghép con vào khuôn phép, theo nền nếp gia phong mà dạy bảo; không để xảy ra kết quả trớ trêu: “con lên ba, con chửi mẹ cười; con lên mười, con chửi mẹ khóc”. Phải dạy để “khi con chào đời, con khóc mọi người cười; khi con chết, con cười mọi người khóc” - khóc vì thương tiếc gia đình đã mất đi người hoàn hảo đã để lại cho gia đình, họ tộc, quốc gia danh thơm, tiếng tốt.

 

Giáo dục nhân, lễ, nghĩa, trí, tín: Muốn con được “thành nhân”, cha mẹ phải gắng công dạy dỗ con có được đức hạnh, có nết na, hiếu thảo, yêu thương đồng loại. Dạy chữ “nhân” để con có lòng thương người, biết giúp đỡ những người hoạn nạn, đói rách; không sống vị kỷ, không chỉ lo riêng mình; lấy việc giúp người, giúp đời làm nguồn vui, làm lẽ sống. Người có “nhân” thì ai cũng kính trọng. Dạy chữ “lễ” để con biết phép tắc sống đúng với đạo lý làm người, chấp hành luật pháp; biết thờ cha, kính mẹ, hòa thuận với anh em và họ tộc, kính trọng thầy cô,… Dạy chữ “Nghĩa” để con hiểu được tình nghĩa, nhớ ơn sâu sắc người giúp mình; với anh, em, bạn bè sống như “bát nước đầy”, với vợ chồng thì “một ngày cũng nghĩa trăm năm”. Ở đời không có gì xấu hổ bằng mang tiếng “bất nhân”, “bất nghĩa”. Dạy chữ “Trí” để con “thông minh”, phân biệt phải trái ở đời, muốn có “trí” phải học hành chăm chỉ, “học càng cao, trí càng cao”; chính trí tuệ đem lại sự hưng phấn cho gia đình và đất nước như ông cha đã nói “phi trí bất hưng”. Dạy chữ “Tín” để con cái giữ lời hứa một cách chân thật, không gian dối, không để “một điều bất tín, vạn sự chẳng tin”, khi đã hứa với ai điều gì thì quyết tâm thực hiện cho được; biết trọng chữ tín là danh dự của bản thân, không để người khác coi thường, hoặc khinh bỉ mình vì “bất tín”’ tín là đức tính tốt mà ai cũng phải giữ suốt đời. Muốn có chữ tín, cha mẹ phải noi gương cho con.

 

Giáo dục bổn phận làm con: Khi con càng khôn lớn, nỗi la lắng của cha mẹ càng tăng; thương con nên cha mẹ dành hết cuộc đời mình vào việc nuôi dạy con nên người; trên đời có 2 thứ người ta qúy nhất là “con cái” và “của cải”. Do vậy con cái được giáo dục có bổn phận với cha mẹ là: “gọi dạ bảo vâng”, “đi thưa về trình”, “chăm học và giúp đỡ việc nhà”, “hòa thuận với anh em”, “kính trên nhường dưới”, “hiếu thảo, phụng dưỡng, lễ phép với cha mẹ”,…

 

Giáo dục lễ nghĩa trong gia đình (gia lễ): Gia lễ ảnh hưởng sâu sắc đến phẩm cách và cuộc sống. Trong gia đình truyền thống thì gia lễ được tôn trọng hàng đầu, chiếm vị trí quan trọng trong giáo dục con cháu. Đó là lễ nghi trong một gia đình được truyền bảo qua nhiều thế hệ trong gia đình, là khuôn phép và gia giáo truyền thống của gia đình. Ở phương Đông, lễ là nền tảng xã hội, là văn hóa căn bản của mọi giao tế nhân sinh. Có ý kiến cho rằng “tất cả thuật xử thế của người Á Đông để ở trong một chữ Lễ”. Từ đó giáo dục “thờ phụng tổ tiên”, “lễ nghi hôn nhân”, “tang lễ”, các nghi lễ khác.

 

Gia phong đất Phú có thể hình dung qua một số lĩnh vực. Tên gọi Phú Yên có trên 400 năm, nhưng gia phong Phú Yên đã có hàng nghìn năm cùng với đất nước. Phú Yên được mệnh danh là “vựa lúa miền Trung” từ lâu nên gia phong đất Phú in đậm nét “chú trọng vào ruộng vườn, chăm lo sản xuất”. Đa số gia đình chăm lo đám ruộng, thửa vườn, an cư lập nghiệp, ít muốn tranh đua. Hầu hết các gia đình đều thờ cúng tổ tiên, coi trọng gia lễ, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; chân thành, chung thủy, mến khách, nhường nhịn lẫn nhau,…

 

Gia phong đất Phú còn in đậm nét nhiều gia đình có truyền thống hiếu học, nhiều xã có họ tộc giúp nhau để con cháu học tập thành tài; tôn sư trọng đạo, giáo dục con cháu nên người; trọng đạo lý, sống có nhân nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”. Do vùng đất Phú Yên xưa nhiều khắc nghiệt nên in đậm nét đoàn kết tương trợ lẫn nhau, coi trọng tình làng nghĩa xóm, không phân biệt giàu sang, nghèo hèn; khoan dung độ lượng, cưu mang trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”,…

 

Gia đình có chức năng đặc biệt là giáo dục, tác động đến con người một cách trực tiếp và toàn diện nhất; làm nên giá trị của gia đình là gia phong và chính gia phong là bộ phận cơ bản tạo nên bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày nay có nhiều gia đình tiếp tục giáo dục con cháu bằng gia huấn và gia phong truyền thống kết hợp với xây dựng gia đình văn hóa, giáo dục nhân cách, thái độ con người tận tụy vì dân; giáo dục các chuẩn mực giá trị xã hội như yêu nước, trách nhiệm công dân, sống có tình nghĩa, chăm chỉ lao động sáng tạo, có lối sống văn hóa… Nhưng cũng không ít gia đình chưa biết giáo dục con những gì và giáo dục như thế nào để thực hiện chủ trương của Đảng ta: “Củng cố và xây dựng gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

 

Ths. TRẦN VĂN NHÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek