Khi chỉ còn vài giờ bão Utor sẽ đổ bộ Philippines, Tiến sĩ khí tượng và môi trường Trần Tiễn Khanh (Mỹ) đã báo động, chiều 13-12 khi bão áp sát bờ biển VN, sức gió gần siêu bão!
BÁO ĐỘNG ĐỎ Ở PHILIPPINES!
13 giờ ngày 9-12, bão Utor đổ bộ vùng bờ biển Đông Nam Philippines. Trước đó, mạng dự báo TSR (Anh) đã báo động đỏ (cấp 3) đối với một số tỉnh thành vùng Visayas (Philippines) và báo động vàng (cấp 2) với Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang và Kon Tum trong 120 giờ tới. Nếu dự báo đúng, các địa phương này có khả năng hứng bão từ 1 giờ sáng 14-12 với sức gió 148-185 km/giờ.
Theo mạng dự báo JTWC (Mỹ), bão Utor vẫn di chuyển theo hướng Tây, 15 hải lý/giờ, sức gió 60-75 hải lý/giờ (1 hải lý= 1.852m). Đến sáng nay 10-12, bão tiếp tục đổ bộ phía Nam và Tây Nam đảo Luzon.
Ảnh vệ tinh chụp đầu giờ chiều ngày 10/12 cho thấy bão Utor đã vào biển Đông
Sau 13 giờ chiều, bão ra khỏi Philippines, sức gió tăng thêm trên đường bão đi. Khoảng chiều tối 10-12, khi vào phía Đông biển Đông, bão di chuyển chậm hẳn, chỉ 5-7 hải lý/giờ nhưng tiếp tục tăng cường độ, gió tối đa 80-125 hải lý/giờ, tức gần siêu bão. Đến 1 giờ sáng 14-12, nếu không bẻ hướng xuống phía Nam, từ tọa độ 13,6 vĩ Bắc và 110,2 kinh Đông, bão sẽ xông vào duyên hải miền Trung, sức gió từ 80 hải lý/giờ trở lên.
TS Trần Tiễn Khanh phân tích, dự báo mới nhất của JTWC cho thấy điểm bão sẽ đổ bộ vào sáng 14-12 là Sông Cầu- Quy Nhơn. Mạng TSR thì dự báo Quảng Ngãi - Kon Tum. Mạng JMA (Nhật) và HKO (Hồng Công) dự báo sẽ gần Phan Rang với gió rất mạnh.
Nói chung là bão sẽ tấn công Trung bộ và Tây Nguyên với sức gió 150km/giờ. Ông Khanh nhận định: Từ nay đến ngày 14-12 còn nhiều thời gian để bão có những thay đổi bất ngờ. Nếu gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, bão có thể bị đẩy xuống phía Nam như Durian vừa rồi”.
Ông hướng dẫn: “Vì các dự báo chỉ được cập nhật mỗi 6 giờ, bạn đọc có thể xem hình vệ tinh ở vnbaolut.com để định hướng đi của bão và tham khảo các đường dự báo khác nhau với link http://www.weather.org.hk/asiatcmap.html.
COI CHỪNG TRỞ TAY KHÔNG KỊP!
Hình thành nhanh, di chuyển mạnh, sức gió tối đa, chứng tỏ Utor là cơn bão rất sung mãn. Nó đang trong giai đoạn bão trẻ, khi vào biển Đông sẽ chuyển sang giai đoạn trưởng thành. Đây là hai giai đoạn nguy hiểm nhất trong cuộc đời một cơn bão.
Dù hiện nay chưa ai dám khẳng định bão sẽ đổ bộ vào đâu ở VN nhưng với gió mùa Đông Bắc đang tiếp tục tăng cường, có thể bão sẽ đổ bộ Nam Trung bộ hoặc kịch bản của bão Durian lại tái diễn: Utor sẽ đi dọc bờ biển Nam Trung bộ rồi xuống dần Nam bộ? Hầu hết các dự báo tầm xa, khả năng bão ngoặc lên hướng Bắc là rất ít.
Các tài liệu lưu trữ bão nhiều năm qua của Tổ chức Khí tượng thế giới mà VN là thành viên, cũng tương tự vậy. Với bão Utor, các thông số dự báo của các mạng quốc tế còn cho thấy, từ 8 đến 13-12 bão Utor sẽ vượt gần 1.600km và từ 11 đến 13-12 nó sẽ loay hoay từ 14,1 đến 14,6 vĩ độ Bắc để tìm đường giải thoát năng lượng vốn quá dồi dào.
Theo các nhóm dự báo Bravo và Delta của JTWC, khi bão tiến vào biển Đông, nó sẽ được tăng cường nhiệt lượng do mặt biển ấm và bão sẽ theo dòng chảy mạnh hướng vào lục địa. Rõ ràng bão Utor đủ yếu tố trở thành một Xangsane hoặc Durian thứ hai, đặc biệt bão này diễn ra trong lúc El Nino đang phát triển.
Có thể nói, càng ngày bão càng dữ tợn. Chúng di chuyển nhanh hơn, chuyển hướng đột ngột hơn và phạm vi hoành hành của bão cũng rộng lớn hơn. Bão không khu biệt địa giới hành chính, vùng miền.
Trong thời kỳ xảy ra hiện tượng hâm nóng toàn cầu, chúng ta cần nhìn bão bằng con mắt khác. Bão bây giờ là siêu bão với đủ khả năng thành bão vượt đại dương, vượt qua nhiều quốc gia và nhiều lần đổ bộ. “Đây là cơn ác mộng!” - TS Trần Tiễn Khanh lo ngại. Ngay từ bây giờ, các phương án phòng tránh bão từ miền Trung tới miền Nam cần được sớm đề ra. Nếu lơ là, chủ quan, coi chừng trở tay không kịp!
VÕ NAM AN (SGGP)