Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động tại Khu Kinh tế Phú Yên đang chịu sức ép lớn do tác động của bão giá. Làm thế nào để duy trì và phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, đồng thời đảm bảo nguồn thu nhập cho công nhân là thách thức đối với tổ chức công đoàn các doanh nghiệp.
Người lao động luôn cần vai trò của tổ chức công đoàn. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại KCN An Phú - Ảnh: N.HÂN
Hiện tại, Phú Yên có 3 khu công nghiệp với 76 dự án đăng ký đầu tư. Trong đó, có 6 dự án đầu tư mới, hơn 50 dự án đã đi vào hoạt động, thu hút 5.833 lao động. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn triển khai xây dựng và hoàn tất các thủ tục đầu tư. Tuy nhiên tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, việc tăng giá một số mặt hàng, chủ yếu như xăng dầu, điện… đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước những biến động đó, nhiều doanh nghiệp chần chừ trong việc ký kết các hợp đồng lớn với các đối tác và buộc phải cắt giảm lao động. Theo số liệu tổng hợp tình hình lao động tại 3 khu công nghiệp của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, 3 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp hoạt động tại ba khu công nghiệp Hòa Hiệp, An Phú và Đông Bắc Sông Cầu giảm gần 500 lao động. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng
hoạt động, dẫn đến người lao động phải thôi việc. Đơn cử như: Công ty cổ phần Phú Minh, Công ty cổ phần Quan Han, Công ty cổ phần Hòa Vinh (KCN Hòa Hiệp); Công ty TNHH Cây Xanh (KCN An Phú); Công ty TNHH Nhà máy Phân bón NPK Phú Yên, Công ty TNHH Đạt Thành I SinSung (KCN Đông Bắc Sông Cầu).
Phản ánh thực trạng này, ông Huỳnh Xuân Minh, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết: “Trong tình hình khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa dám ký kết các hợp đồng có giá trị xuất khẩu lớn, nên lượng lao động ở một số doanh nghiệp có giảm sút. Nếu tình hình kinh tế không ổn định thì lao động làm việc tại các doanh nghiệp sẽ giảm nhiều hơn nữa”. Với chức năng quản lý và chỉ đạo hoạt động các công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh đòi hỏi phải có những giải pháp tác động nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho người lao động.
Ông Trịnh Anh Văn, Trưởng phòng Tiền lương, tiền công và bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB-XH tỉnh) cho biết: “Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Chúng ta phải hết sức đồng cảm và chia sẻ vấn đề này. Một khi doanh nghiệp khó khăn thì chắc chắn người lao động cũng bị kéo theo”. Để tránh những vấn đề nảy sinh, nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên đã chủ động xoay xở có hiệu quả. Đặc biệt, phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất tại đơn vị đang được nhiều doanh nghiệp phát động rộng rãi. Như Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Phú Yên (KCN Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa), có công suất 50 triệu lít/năm. Hàng năm, công ty có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí sản xuất. Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Phú Yên, cho biết: “Trong quá trình lắp đặt thiết bị, đội ngũ công nhân kỹ thuật đã nghiên cứu cải tiến, thay đổi, tận dụng thiết bị hiện có nên đã tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí rất nhiều so với thiết kế ban đầu. Mỗi năm, với những sáng kiến trên, người lao động đã tiết kiệm cho công ty hơn 300 triệu đồng”.
Bên cạnh các giải pháp mang tính tạm thời, các doanh nghiệp cũng có những giải pháp sản xuất kinh doanh mang tính dài hơi, phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp. “Chúng tôi chỉ lập quỹ tương trợ để cán bộ, công nhân viên có điều kiện khó khăn vay vốn, ổn định cuộc sống. Trước tình hình này, thiết nghĩ các doanh nghiệp cần có những nỗ lực vượt khó hơn nữa. “Tự thân vận động”, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất tại đơn vị chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp vươn lên, tự khẳng định mình” ông Nguyễn Thành Đức, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh, nhấn mạnh.
NGỌC HÂN