Sở Tài chính vừa yêu cầu Sở GD-ĐT; các trường đại học, cao đẳng nghề, Trung cấp y tế trực thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ.
Phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1% mức phụ cấp. - Ảnh Minh họa: T.Hội
Theo đó, các đơn vị, địa phương xác định đối tượng, thời gian được hưởng phụ cấp thâm niên, mức phụ cấp thâm niên theo đúng quy định; tổng hợp, xác định kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo của địa phương năm 2011 và năm 2012 gửi về Sở Tài chính trước ngày 31/5.
Theo thông tư liên bộ GD-ĐT, Nội Vụ, Tài chính, LĐ-TB-XH hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, có 2 đối tượng được hưởng bao gồm: Thứ nhất, nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động. Đối tượng thứ hai là nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập.
Để được hưởng phụ cấp, các đối tượng quy định trên đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cụ thể, các đối tượng thuộc trường hợp thứ nhất phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15). Các đối tượng quy định tại trường hợp thứ hai không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo như quy định nêu trên.
THANH HỘI