Thứ Tư, 27/11/2024 09:19 SA
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:
Giúp nông dân vượt khó
Thứ Hai, 21/05/2012 14:30 CH

Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho nông dân nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, những năm qua Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho nông dân. Nhờ đó, ngày có nhiều lao động nông thôn tiếp cận được nghề mới, nắm bắt được khoa học, kỹ thuật, làm ăn ngày càng có hiệu quả.

 

nd-hoa-kien120521.jpg

Nhờ được đào tạo nghề, nông dân xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) đã nắm bắt kỹ thuật trồng khổ qua cho năng suất cao - Ảnh:  T.HIẾU

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Chính phủ phê duyệt vào năm 2009 có tính xã hội và nhân văn sâu sắc, do đó nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Qua hơn ba năm triển khai thực hiện, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm thiết thực, sáng tạo, xuất hiện nhiều mô hình mới phù hợp với điều kiện địa phương. Hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn do các cơ sở của huyện tổ chức huy động được sự tham gia giảng dạy của các kỹ sư nông nghiệp, nghệ nhân. Qua các lớp đào tạo nghề cho lao động chuyên canh ở một số địa phương trong toàn tỉnh cho thấy kỹ năng nghề của nông dân được nâng lên, do đó năng suất lao động, chất lượng cây trồng, vật nuôi và thu nhập của người lao động cũng tăng lên rõ rệt. Nhờ đó bước đầu đã tạo động lực thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn tham gia các khóa đào tạo nghề được tổ chức tại địa phương.

Ông Nguyễn Lương Đức ở xã Sơn Giang (Sông Hinh) bảo: “Gia đình tôi hiện có 3ha đất trồng mía. Qua tham gia lớp đào tạo do Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội Nông dân tỉnh tổ chức mà tôi đã nắm bắt được kỹ thuật trồng cũng như cách chọn giống, chăm sóc. Nhờ vậy, năng suất vụ mía vừa rồi của gia đình tăng cao, thu nhập hơn 60 triệu đồng”. Còn anh Võ Minh Nguyên ở xã An Thạch (Tuy An) cho biết, nhờ học lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh mà anh đã nắm những kỹ thuật cơ bản về uốn cây cảnh và tạo dáng bon sai. Qua lớp học, anh đã tạo lại dáng một số cây cảnh trong vườn phù hợp với thế cây, vì thế bây giờ các chậu cây cảnh đã có giá trị hơn nhiều.

Không chỉ những lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng trọt mang lại kết quả khả quan mà những lớp đào tạo nghề may công nghiệp cũng giúp cho nhiều lao động khu vực nông thôn có việc làm ổn định. Chị Nguyễn Thị Hoa ở phường 9 (TP Tuy Hòa) nói: “Trước đây, do gia đình khó khăn nên tôi học hành không đến nơi đến chốn, vì thế ngoài làm ruộng, tôi còn buôn bán thêm ngoài chợ nhưng thu nhập rất bấp bênh. Năm 2011, nhờ học lớp sơ cấp nghề may công nghiệp mà tôi đã xin được vào may tại Công ty cổ phần An Hưng (TP Tuy Hòa) mỗi tháng thu nhập trên hai triệu đồng”.

 

hoa-mau120521.jpg

Nhờ hướng dẫn cách trồng rau an toàn mà nhiều nông dân xã Bình Ngọc áp dụng đạt hiệu quả cao - Ảnh: T.HIẾU

Tuy nhiên công tác đào tạo nghề cũng còn hạn chế như địa điểm tổ chức dạy và học nghề ở một số địa phương còn xa nhất là các huyện miền núi nên chưa thu hút đông đảo nông dân đến học. Bên cạnh đó, nông dân đến học nghề thì tuổi đời và trình độ học vấn không đồng đều nên tiếp thu có sự chênh lệch. Tuy vậy, vẫn có nhiều nông dân muốn học nghề để có kiến thức trong quá trình làm ăn phát triển kinh tế gia đình nhưng chưa có cơ hội theo học. Theo ông Hứa Tiến Lành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Giang, người dân trong xã hiện nay thu nhập chủ yếu từ cây mía và đang phát triển trồng lúa nước. Trong thời gian qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội Nông dân tỉnh chỉ mở một lớp kỹ thuật trồng cây mía với 30 học viên tham gia, trong khi đó toàn xã có 571 nông dân. Vì thế để người dân có điều kiện nắm bắt khoa học, kỹ thuật thì cần phải mở thêm nhiều lớp kỹ thuật trồng cây mía và trồng cây lúa nước để bà con áp dụng vào sản xuất để có năng suất cao hơn.

Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội Nông dân tỉnh Võ Hữu Sung nói: “Trung tâm đã xác định mục tiêu là làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Vấn đề quan trọng nhất là cấp kinh phí đào tạo kịp thời để chúng tôi chủ động phân bổ chỉ tiêu, tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của lao động trong công tác tuyển sinh và mở lớp đào tạo. Vì thế, cần có sự quan tâm từ các sở, ban, ngành trong tỉnh hơn nữa thì công tác dạy nghề cho lao động nông thôn mới đạt được kết quả như mong muốn”.

NGUYỄN CHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek