Thứ Ba, 08/10/2024 13:37 CH
Các biện pháp chữa cháy rừng
Thứ Năm, 17/05/2012 08:06 SA

Biện pháp chữa cháy trực tiếp là sử dụng tất cả các phương tiện từ thủ công đến cơ giới hiện đại như xe chữa cháy, máy phun nước, hóa chất... tác động trực tiếp vào đám cháy để dập tắt lửa. Biện pháp này có tác dụng rất tốt đối với những đám cháy nhỏ, diện tích cháy dưới 1ha và thường được áp dụng đối với các đám cháy mặt đất, cháy ngầm. Hầu hết các đám cháy rừng khi mới xảy ra thường được sử dụng các công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, cào, câu liêm, bàn dập, cành cây tươi, thùng tưới nước, bình nước đeo vai... để đàn áp đám cháy; có thể dùng đất, cát để dập lửa.

 

chua-chay120517.jpg

Nỗ lực dập lửa trong vụ cháy rừng ở huyện Phú Hòa - Ảnh: P.NAM

 

Chữa cháy bằng biện pháp trực tiếp có thể tiến hành theo nhiều cách khác nhau: Khi ngọn lửa lan chậm có xu hướng cháy về cả hai phía trái và phải, chiều cao của ngọn lửa thấp, diện tích đám cháy còn nhỏ thì nên bố trí từng tiểu đội từ 8-10 người dùng cành cây tươi dài từ 1,5-2m, bàn dập, bình phun nước, vòi phun dập thẳng vào ngọn lửa. Ngoài ra, có thể làm một băng ngăn lửa với chiều rộng 3m ngay phía trước ngọn lửa. Trên băng bố trí từng tiểu đội, người nọ cách người kia khoảng 3m, dùng cào, cuốc, kéo vật liệu cháy ra ngoài. Cứ làm như vậy hết đoạn này đến đoạn khác cho đến khi dập hết lửa.

 

Khi tốc độ gió mạnh, đám cháy lan nhanh theo chiều gió thì đội hình chữa cháy sẽ bố trí hai bên đám cháy. Lực lượng chữa cháy tiến tới trước và bao vây ngọn lửa cả hai phía từ phía trước cho đến khi ngọn lửa tắt hẳn. Một số lực lượng chữa cháy dùng các dụng cụ dập lửa vào hai bên, gần phía sau đám cháy, vì ở các vị trí này lửa lan chậm hơn ở hai bên. Các lực lượng còn lại sẽ tập trung làm băng như ở trên, ở hai bên ngọn lửa để ép ngọn lửa nhỏ dần và tắt hẳn. Cách chữa cháy này gọi là chữa cháy song song. Sử dụng cách chữa cháy này người chữa cháy đỡ mệt hơn, nhưng người đội trưởng phải xác định chính xác hướng ngọn lửa và phải dự đoán được tốc độ lan theo hướng gió của ngọn lửa.

Hai cách chữa cháy trên thường áp dụng cho những đám cháy khởi đầu, diện tích nhỏ. Khi đám cháy đã lớn, tốc độ lan nhanh thì lực lượng bố trí dập đầu ngọn lửa và bao vây khép dần về phía sau đến khi ngọn lửa tắt hẳn; đồng thời kết hợp máy phun nước, hóa chất, máy cày, máy ủi mới có kết quả, nghĩa là phải huy động tổng hợp lực lượng để dồn sức vào chữa cháy.

Khi làm băng khống chế lửa cần lưu ý: Công sức và thời gian không nhiều, nên phải chọn tuyến cẩn thận; chọn cách dễ nhất để thi công qua nơi có nhiều vật liệu cháy; lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên (sông suối) hay các đường giao thông sẵn có; Băng càng thẳng càng tốt (ngắn nhất và dễ giám sát); không nên bẻ tuyến đột ngột (vị trí bẻ tuyến đột ngột là nơi gia tăng bức xạ nhiệt, tạo cơ hội cho các đám cháy “nhảy cóc”). Chỉ bẻ tuyến ở nơi an toàn và có các vật cản là địa hình tự nhiên như nêu trên và mở rộng nơi bẻ tuyến (do chúng là nơi lửa dễ cháy vượt qua); tránh băng qua nơi có vật liệu cháy nguy hiểm, nơi có nhiều đá, dốc; đề phòng cháy tán xảy ra ở nơi đang làm băng ở dưới.

Ở nơi trảng cỏ hoặc ít vật liệu cháy, có thể dùng cào cuốc để làm băng khống chế lửa theo phương pháp “bước lên”. Dàn đội hình dọc theo tuyến dự định làm băng, mỗi người cách nhau 3m. Phương pháp này hiệu quả và an toàn do mỗi người được phân công phạm vi rõ ràng (với khoảng cách đều và mọi người cùng tiến lên) nên không va quẹt dụng cụ thủ công vào người khác.

PHƯƠNG NAM (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek