Phú Yên có địa hình khá phức tạp, tổng nhiệt cao, lượng mưa bình quân tương đối lớn, nhưng phân bố không đều. Vào mùa khô hạn, phần lớn các con suối bị khô kiệt, dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao. Trong khi đó điều kiện, phương tiện chữa cháy rừng còn nhiều hạn chế.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện Tây Hòa- Ảnh: P.NAM
NHỮNG NGUYÊN NHÂN BẤT LỢI
Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, hoạt động phát, đốt rừng làm rẫy, sử dụng lửa để đốt thực bì tìm kim loại, bắt ong, nấu ăn trong rừng... là những nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy rừng. Điều đáng nói là các hoạt động trên đều vượt quá khả năng kiểm soát của ngành chức năng. Trong khi đó, các chế tài và hình thức xử lý vi phạm hiện vẫn chưa nghiêm và đủ sức răn đe, dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao, nhất là trong mùa nắng nóng.
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm, mặc dù công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được các cấp chính quyền, các sở, ban ngành quan tâm, nhưng do kinh phí hàng năm còn thấp, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR chưa rõ ràng và tương xứng, nên chưa kích thích được sự tham gia của đông đảo người dân. Mặt khác, thời gian qua, công tác PCCCR của tỉnh căn cứ trên phương án PCCCR giai đoạn 2004-2010 nên còn nhiều hạn chế; từ năm 2011 đến nay, việc lập kế hoạch và triển khai công tác PCCCR còn thiếu cơ sở, không có căn cứ trình các ngành chức năng phê duyệt. Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết: Phương tiện, thiết bị, công cụ PCCCR của các đơn vị kiểm lâm, chủ rừng trong tỉnh hiện rất ít và thô sơ. Dự án nâng cao năng lực PCCCR năm 2009-2010 tuy đã trang bị thêm một số máy móc, thiết bị phục vụ chữa cháy nhưng cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Hạt kiểm lâm huyện Sông Hinh kiểm tra máy bơm nước phục vụ cho công tác PCCCR - Ảnh: P.NAM
CẦN XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN LÂU DÀI
Để công tác PCCCR đạt hiệu quả, việc xây dựng phương án PCCCR giai đoạn 2011-2015 là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Theo giáo sư, tiến sĩ Thái Văn Trừng, một trong những nhà khoa học lâm nghiệp hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực sinh thái rừng, địa thực vật, lâm sinh học, thì mùa cháy rừng được tính toán từ việc phân tích các yếu tố về lượng mưa bình quân từng tháng quan hệ với nhiệt độ bình quân. Theo đó, mùa xảy ra cháy rừng ở Phú Yên vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 8, đặc biệt chú ý đến những tháng khô kiệt và những tháng có gió tây nam khô nóng từ tháng 5 đến tháng 8. Vì đây là thời điểm chịu sự tác động lớn của con người với các hoạt động đốt dọn nương rẫy, đốt thực bì để chăn nuôi gia súc, lấy mật ong...
Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, từ nay đến năm 2015, cần thiết phải tăng cường tuyên truyền trực tiếp hơn 1.300 buổi cho nhân dân tại các cuộc họp thôn, xã; xây dựng 76 bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR, gần 2.000 biển cấm lửa và 28 biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng bố trí tại các khu vực trọng điểm cháy, các khu dân cư có rừng dễ cháy và các tuyến đường vào rừng có nhiều người qua lại; xây dựng chương trình về bảo vệ rừng, PCCCR và thông tin trên các phương tiện truyền thông, đồng thời đưa nội dung tuyên truyền vào các trường phổ thông; tổ chức ký cam kết, quy ước bảo vệ và phát triển rừng ở thôn buôn, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh sống, sản xuất gần rừng, ven rừng; phát hành 40.000 tờ rơi, pa nô, áp phích và tổ chức 19 lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý lửa rừng, kỹ thuật PCCCR cho lực lượng chuyên trách từ tỉnh đến thôn buôn và chủ rừng; phối hợp tổ chức 11 đợt diễn tập chữa cháy rừng theo phương châm bốn tại chỗ…
Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, từ nay đến năm 2015, các Ban quản lý rừng và doanh nghiệp có dự án trồng rừng cần xây dựng 64km và duy tu gần 166km băng cản lửa. Đối với rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân có diện tích nhỏ lẻ phải được Hạt Kiểm lâm huyện hướng dẫn xây dựng băng cản lửa, ranh cản lửa. Các Ban quản lý rừng sử dụng kinh phí từ các dự án, còn các doanh nghiệp, hộ gia đình sử dụng nguồn vốn tự có để thực hiện. Đồng thời, phải xây dựng hệ thống chòi canh lửa rừng ở vị trí có tầm quan sát rộng tại các khu rừng tập trung, rừng dễ cháy có diện tích lớn. Trước mắt, đến năm 2013, xây dựng 3 chòi canh tại các huyện Đồng Xuân, Phú Hòa và Sông Hinh, bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ trong những ngày nắng nóng có dự báo cháy rừng từ cấp 4 đến cấp 5 và trang bị đầy đủ dụng cụ, bản đồ cần thiết. Ngoài ra, cần đầu tư phương tiện, máy móc thiết bị, công cụ PCCCR cho tất cả các đơn vị kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với tổng kinh phí khoảng 4 tỉ đồng. Trước mắt trong năm 2012 cần khoảng 1,1 tỉ đồng. Nếu được đầu tư như trên, sẽ nâng cao năng lực PCCCR trong chỉ đạo, chỉ huy, năng lực chuyên môn, nhận thức của cộng đồng và chính quyền địa phương… Từ đó, phát huy có hiệu quả PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội và tác động tích cực đến môi trường.
PHƯƠNG NAM