Với sự nỗ lực của các cấp Hội Nông dân, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã lan rộng trong cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh.
Hội Nông dân huyện Sông Hinh tặng giấy khen cho các nông dân sản xuất giỏi - Ảnh: V.THÙY
Ama Krăng, hội viên Hội Nông dân xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) là người có công lớn trong việc đưa cây mía, cây sắn về với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nhờ vậy đến nay, thu nhập của bà con trong xã được cải thiện đáng kể. Không những vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế, mới đây ông còn vận động và cùng mọi người tự làm 2km đường giao thông nội đồng từ buôn Chao đi vào rẫy. Phát huy tính gương mẫu, đi đầu, Ama Krăng đã ứng gần chục triệu đồng thuê máy ủi san lấp đất. Thấy đường sá đi lại thuận lợi, xe chạy bon bon, bà con phấn khởi mở rộng diện tích sản xuất với hàng trăm héc ta sắn, mía và cải tạo gần chục héc ta đất đợi mùa mưa đến là xuống giống cây cao su. Ama Krăng tâm sự: “Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đầu tư nhiều vốn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Nhờ vậy đến nay, các nhu cầu bức thiết của nông dân như đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở, thủy lợi cơ bản được giải quyết. Nhưng không phải vì thế mà trông chờ ỷ lại mãi được, mình phải chung tay, góp sức để gia đình và giúp bà con buôn làng cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.
Cũng như Ama Krăng, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đông đảo hội viên Hội Nông dân hưởng ứng. Tiêu biểu như Ma Cam ở thị trấn Hai Riêng giúp hội viên khác mượn giống cây, con để sản xuất; Mí Cách, buôn Zô ở xã Ea Ly tạo điều kiện cho hàng trăm hộ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Còn Ma Dốt ở xã Ea Lâm luôn nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm của mình trong việc đắp đập làm hồ chứa nước, sản xuất lúa hai vụ. Nhờ vậy đến nay xã Ea Lâm đã có gần 30 hộ gia đình tận dụng nước khe suối, đắp đập đưa nước vào ruộng sản xuất lúa hai vụ/năm, góp phần đảm bảo lương thực tại chỗ cho các hộ.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân huyện phát động đã được bà con đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng tích cực, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng với thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như Y Dấc ở buôn Chung (xã Ea Bar) với mô hình trồng cao su, cà phê; Ma Bay ở xã Ea Trol với mô hình chăn nuôi bò đàn; Lê Mô Y Đênh ở xã Đức Bình Tây với mô hình trồng trọt kết hợp kinh doanh dịch vụ nông nghiệp; Hoàng Thị Thủy ở Ea Ly với mô hình trang trại VAC… Tổng kết phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện giai đoạn 2009-2011, có 834 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, chiếm gần 1/3 tổng số hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong toàn huyện.
Để có kết quả đó phải nói đến sự nỗ lực lớn của các cấp Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở trong việc triển khai Nghị quyết số 07 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI) về “Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn vùng dân tộc và miền núi khó khăn”. Ông Ma Min, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bar cho biết, Hội Nông dân xã đã chỉ đạo từng chi hội thôn, buôn duy trì sinh hoạt định kỳ, qua đó giúp hội viên trao đổi kinh nghiệm, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời nắm bắt các chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của Hội cấp trên. Trong đó công tác tuyên truyền được triển khai xuyên suốt và cụ thể hóa bằng những mô hình sản xuất làm ăn có hiệu quả, những gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước. Nhờ vậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng nhân lên, tư tưởng tự ti, trông chờ ỷ lại không còn và thay vào đó là ý chí quyết tâm thoát khỏi đói nghèo…
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh Phạm Xuân Lai cho biết: Để giúp các hội viên tự tin trong lao động, sản xuất, hàng năm Hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức từ 20 đến 25 lớp tập huấn cho hàng ngàn lượt hội viên các kiến thức mới về chăn nuôi, trồng trọt, cách bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để giải ngân vốn vay lãi suất thấp. Hầu hết các chi hội đã thành lập quỹ để hỗ trợ hội viên khó khăn mở rộng sản xuất, vai trò, vị trí của tổ chức hội ngày càng nâng cao. Từ chỗ chỉ có vài chục chi hội, đến nay 7/7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thành lập chi hội Nông dân với hơn 3.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Công tác Hội luôn gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
“Nhờ triển khai hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Nhờ vậy, góp phần làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn ngày càng gắn kết, phát triển, góp phần củng cố niềm tin của bà con đối với Đảng và Nhà nước”.
(Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Văn Bính)
VĂN THÙY