Hiện nay, những tập tục cưới xin, tang ma của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) đang dần được thực hiện theo nếp sống mới. Có được kết quả này phải kể đến sự đóng góp tích cực của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã K’Pá Thanh Soan.
K’Pá Thanh Soan - Ảnh: Q.HÙNG
K’Pá Thanh Soan là người dân tộc Ê Đê, năm nay đã ngoài 60 tuổi. Ông sinh ra trong một gia đình đông con, lớn lên mấy anh em lần lượt lập gia đình và ở phía vợ (theo phong tục người Ê Đê thì vợ cưới chồng). Ngay từ nhỏ, ông sống ở buôn làng nên rất hiểu phong tục, tập quán của đồng bào mình. Vào năm 1999, ông trúng cử đại biểu HĐND xã, giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐND và từ năm 2004 đến nay, được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Nhiều năm qua, xong việc ở xã, ông thường xuyên “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động bà con phát triển sản xuất để thoát nghèo, bỏ dần các hủ tục lạc hậu.
Trên địa bàn xã Ea Chà Rang, ngoài đồng bào Ê Đê còn có đồng bào Kinh sinh sống. Đồng bào Kinh không có tập tục “nối dây” mà thực hiện cưới xin theo nếp sống mới, gia đình sống yên vui. Còn luật tục “nối dây” của người Ê Đê sẽ tiếp tục chắp nối cuộc hôn nhân của người đàn ông với nhà vợ. Nếu ai không tuân theo phải chịu phạt rất nặng hoặc phải trở về nhà cha mẹ đẻ với hai bàn tay trắng, không được mang theo của cải và con cái. Điều đó khiến K’Pá Thanh Soan day dứt: Mình là cán bộ HĐND xã, làm công tác dân vận mà không giúp bà con Ê Đê bỏ được tục “nối dây” thì không thể nói là hoàn thành nhiệm vụ. Thế là ông cùng một số cán bộ trong xã thường xuyên đến từng thôn, buôn vận động bà con không giữ tục “nối dây”. Lúc đầu, họ không làm theo. Nhiều người nói nếu bỏ tập tục này thì sẽ bị ma núi, bị Giàng trừng phạt và bịnh đau bệnh liên miên (?!). Trong xã có anh Ma Lượm vợ mới mất, mọi người trong gia đình bảo anh phải lấy em vợ theo tục “nối dây”. Ông đã giải thích, nói cho họ hiểu làm như vậy là không đúng, không nên vì em ấy rồi cũng sẽ có chồng. Anh Ma Lượm làm theo ý ông, không lâu sau đó anh đi cưới người khác mà mình thương, hiện sống vui vẻ, hạnh phúc. Nhiều người mới bảo nhau: “Ông Soan nói đúng rồi, “nối dây” như cũ là không tốt. Cứ đi làm chồng của em hay chị vợ mình là không được, lại phải đẻ thêm nhiều con rồi khổ cái thân mình lắm!”.
Cách đây mấy năm, trong xã có Ma Ken ở tuổi 18, khỏe như cây lim của làng. Có một cô gái mới 16 tuổi thích Ma Ken. Hai người yêu nhau và tính đến hôn nhân. Câu chuyện đến tai K’Pá Thanh Soan, ông liền gọi cả hai cô cậu lên và bảo: “Luật Hôn nhân gia đình và Nhà nước ta dạy con trai lấy vợ phải đủ 20 tuổi, cái gái lấy chồng phải đủ 18 tuổi. Hai đứa có thương nhau thì chờ hai mùa rẫy nữa mới sống với nhau. Bây giờ mà cưới là phạm luật đó”. Thế là hai người nghe theo và chờ hai năm sau mới cưới nhau. Ngoài giải thích cho Ma Ken hiểu, ông còn phân tích cho nam, nữ trong xã cái lợi của việc lập gia đình đúng tuổi. Từ đó trở đi, nhờ nghe theo ông mà trai gái trong xã không dám “ưng” nhau trước tuổi nữa. Ma Ken tâm sự: Mình “sợ” cái luật của Nhà nước và cái hương ước của buôn lắm. Vì lấy vợ nhỏ tuổi thì không ích lợi gì, mà còn bị đưa ra kiểm điểm thì còn mặt mũi nào sống và làm ăn ở đây nữa”. Ma Than, một người dân trong xã nói: Có ông Soan, việc gì cũng giải quyết tốt, mà toàn là chuyện đúng, chuyện hay cho bà con buôn làng mình thôi. Còn K’Pá Thanh Soan nói gọn: “Ngày nào còn khỏe thì mình còn vận động người dân sống và làm theo pháp luật”.
Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang Nay Y BLung nhận xét: Không chỉ lãnh đạo làm tốt công tác Hội Cựu chiến binh, K’Pá Thanh Soan còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong xã xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, biết quan tâm gìn giữ, bảo vệ môi trường… Ông xứng đáng là cựu chiến binh tiêu biểu.
QUỐC HÙNG