Hiện nay, ngành DS-KHHGĐ Phú Yên phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, đó là duy trì mức giảm sinh vững chắc và triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Thế nhưng đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ của tỉnh vừa thiếu, vừa yếu nên chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc của ngành.
Trong chuyến thăm, làm việc tại Phú Yên, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng đã đề nghị UBND tỉnh Phú Yên quan tâm, bổ sung biên chế cho ngành Dân số - Ảnh: L.BI
Theo Thông tư 05/2008 của Bộ Y tế về hướng dẫn chức năng bộ máy tại địa phương thì Chi cục DS-KHHGĐ phải có ít nhất 20 biên chế, Trung tâm DS-KHHGĐ phải có ít nhất 6 biên chế (không kể bảo vệ, lái xe, tạp vụ theo hợp đồng). Thế nhưng hiện tại, nhân lực ngành này ở Phú Yên mới chỉ đáp ứng được một nửa. Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên cho biết: “Hiện Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh mới chỉ có 10 biên chế, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện chỉ có 3 biên chế. Cán bộ chuyên trách dân số ở cấp xã là viên chức nhà nước mới chỉ đạt được 1/3 chỉ tiêu. Tôi cho rằng, nhân lực ngành DS-KHHGĐ Phú Yên thiếu từ tỉnh xuống cơ sở. Chính vì thế mà trong công việc, chúng tôi thường xuyên bị quá tải, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu ngành DS-KHHGĐ của tỉnh đề ra”.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, bên cạnh việc thiếu nhân lực, trình độ chuyên môn của cán bộ dân số cũng còn hạn chế. Ở tuyến tỉnh khó nhất là thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn. Trong tương lai gần, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ khó khăn hơn trong việc thu hút lực lượng bác sĩ vì phải cạnh tranh nhân lực với Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên sắp đi vào hoạt động. Ở tuyến huyện, cán bộ chuyên môn hầu như chỉ có trình độ trung cấp. Ở tuyến xã, đa phần cán bộ chuyên trách dân số chỉ có trình độ THCS, thậm chí ở miền núi, cán bộ ngành chỉ có trình độ tiểu học. Với mức phụ cấp 80.000 đồng/tháng, đội ngũ cộng tác viên dân số không mặn mà với công việc. Đây được xem là một khó khăn, nan giải và chưa thể tìm ra phương pháp giải quyết hiệu quả.
Một thực tế đang đặt ra hiện nay là, những người muốn sinh con thứ 3 trở lên là những người đủ điều kiện về kinh tế và trình độ học vấn cao. Nếu như đội ngũ cộng tác viên dân số yếu chuyên môn thì rất khó thuyết phục được đối tượng này. Các hoạt động trong dự án Nâng cao chất lượng giống nòi như sàng lọc sơ sinh, can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh… yêu cầu đội ngũ cán bộ dân số phải có kiến thức nhất định mới hiểu sâu và thực hiện có hiệu quả. Chính vì thế mà bài toán nhân lực nếu không được giải quyết tốt sẽ rất khó thực hiện thành công hai nhiệm vụ này đúng theo kế hoạch mà ngành đã đề ra.
Để “chữa cháy” cho vấn đề nhân lực của ngành DS-KHHGĐ Phú Yên, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thường xuyên có những chương trình đào tạo, các lớp tập huấn ngắn hạn cho cán bộ dân số các cấp và cộng tác viên cơ sở nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ và cộng tác viên dân số. Thế nhưng, việc “gồng lên” để đảm đương một lượng công việc nhiều hơn mức bình thường chưa bao giờ là một giải pháp hiệu quả trong công việc. Bà Đỗ Thị Như Mai, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh về việc bổ sung biên chế cho Chi cục; Sở Y tế Phú Yên bổ sung đủ biên chế cho Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện; cán bộ chuyên trách dân số phải được bổ sung thành viên chức cấp xã và được hưởng đầy đủ quyền lợi của một viên chức nhà nước theo quy định.
Năm 2011, HĐND tỉnh Phú Yên đã có quyết định tăng thêm 2 biên chế cho các Trung tâm DS-KHHGĐ huyện. Tuy nhiên với 19 biên chế vừa được bổ sung vẫn chưa thể giải quyết được bài toán thiếu và yếu nhân lực của ngành trong tương lai gần.
DIỆU ANH