Đó là tên một cây cầu bằng bê tông cốt thép mà người dân thôn Chứ Sai (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) tự đặt để nhắc nhở mọi người về tinh thần đoàn kết, giúp nhau cùng vượt qua khó khăn. Và đây cũng chỉ là một trong nhiều công trình do nhân dân tự đóng góp với số tiền và ngày công lên đến hàng chục triệu.
Nhân dân Chứ Sai xây cầu “Đoàn Kết”
Cầu “Đoàn Kết” bắc qua một khe suối ở trung tâm thôn Chứ Sai được xây dựng do nhóm 13 hộ, ông Lê Hữu Huế làm nhóm trưởng chủ công đóng góp. Để hoàn thành cây cầu này, mỗi hộ dân trong nhóm đã đóng góp hai triệu đồng; những hộ khá giả tự nguyện đóng góp nhiều hơn, hộ khó khăn nhất cũng góp một triệu. Ngoài ra, các hộ gia đình khác trong thôn tùy kinh tế từng hộ cũng tự nguyện đóng góp từ một vài trăm ngàn hoặc tham gia ngày công lao động. Toàn bộ số tiền 25 triệu đồng từ đóng góp được sử dụng để mua vật liệu. Cầu được đúc bằng bê tông cốt thép, móng khoan sâu xuống lớp đá bàn, chiều rộng 1,3m, dài 13m. Sau gần một tháng thi công, cây cầu đã hoàn thành đem lại niềm vui lớn cho bà con nơi đây. Anh Trần Văn Đông, một người dân, phấn khởi nói: “Bây giờ chúng tôi yên tâm rồi, không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi đến mùa mưa lũ như trước nữa”. Anh Đông cho biết thêm, đây là con đường độc đạo để đi lại với bên ngoài của người dân. Đến mùa mưa, nơi đây nguy hiểm vô cùng, học sinh mất sách vở, giày dép thường xuyên, nhiều người còn bị nước cuốn cả người lẫn xe vào hốc đá, bụi cây, nặng thì gãy chân, gãy tay, nhẹ thì mặt mày trầy xước. Nhiều đợt mưa dài, quả cà phê hái xong cũng đành bỏ thối vì không chuyển ra được.
Ông Lê Hữu Huế xúc động bày tỏ: “Sở dĩ chúng tôi gọi đây là cây cầu “Đoàn Kết” vì nó có sự giúp sức không những của đông đảo cán bộ, đảng viên, bà con nhân dân trong buôn mà còn của cả những người ở nơi khác. Họ là những người ở thị trấn Hai Riêng, xã Ea Trol hoặc Ea Bar đi làm rẫy thường hay qua lại đây, nhưng cũng có những người là bạn bè, họ hàng xa chỉ nghe tin cũng tự nguyện đến giúp nhiều ngày công như anh Nghĩa, anh Tỵ ở đội 4 Nông trường cà phê Ea Bá, anh Hồng, anh Tư ở thị trấn Hai Riêng… Nhờ vậy, công trình đã sớm hoàn thành so với kế hoạch đề ra”. Ông Huế cho biết thêm, để tiết kiệm tiền, anh em trong thôn tự mày mò thiết kế, tham khảo ý kiến của những người có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng. Mọi người thay nhau dầm mình dưới nước nhiều ngày trời để khoét lỗ sâu 60cm xuống lớp đá bàn làm móng cầu; huy động hàng chục ngày công thu gom hơn 100m3 đá hộc ở các bìa rẫy để làm kè chắn, chống xói lở và nâng cao đường đi hai bên đầu cầu. Ngoài công trình này, bà con cũng đã vận động đóng góp được 15 triệu đồng thuê máy ủi sửa đường vào xóm, làm giảm độ dốc, đảm bảo an toàn trong việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa.
Trong những năm qua, phong trào góp công, góp của xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân sinh được nhân dân trong thôn Chứ Sai nhiệt tình hưởng ứng. Tiêu biểu như việc góp tiền làm hơn 6km đường điện về đến từng hộ gia đình trong thôn, nhóm hộ Lê Xuân Huy góp 70 triệu đồng; nhóm hộ Võ Văn Cang 65 triệu đồng, nhóm hộ Nguyễn Văn Tiến 25 triệu đồng; nhóm hộ Trịnh Đình Khương 120 triệu đồng, hoặc góp tiền làm đường bê tông của nhóm hộ Võ Văn Cang, 25 triệu đồng. Nhóm hộ Trần Lĩnh Thủy, mặc dù chỉ có 10 hộ nhưng đã đóng góp được 30 triệu đồng để đổ bê tông 500m đường đi. Bí thư chi bộ Nguyễn Tài Khoa cho biết, Chứ Sai là một thôn vùng sâu của xã Ea Trol; Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng trường học, nhà mẫu giáo và đường điện đến đầu thôn. Những năm trước, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu điện thắp sáng, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa thì việc vận chuyển hàng hóa gần như bị ngưng trệ. Để từng bước khắc phục, chi bộ đã đề ra chủ trương vận động bà con nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại, đoàn kết xây dựng đời sống mới, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất hàng hóa theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Còn Bí thư Đảng ủy xã Ea Trol Phạm Nhất Hữu cho hay: “Dưới sự lãnh đạo của chi bộ trong công tác vận động nhân dân, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trong thôn ngày càng khởi sắc. Với truyền thống tự lực tự cường, vượt khó đi lên, hy vọng Chứ Sai sẽ sớm hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới”.
VĂN THÙY