Tại TP Tuy Hòa vẫn còn một bộ phận người dân có mức thu nhập thấp, gặp khó khăn trong cuộc sống. Bằng nhiều hình thức khác nhau, TP Tuy Hòa từng bước tạo nên sự chuyển biến về nhận thức và hành động thực tiễn để thực hiện công tác giảm nghèo.
Mô hình trồng rau xanh sạch đem lại lợi nhuận cho các hộ nghèo ở TP Tuy Hòa - Ảnh: P.V
Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo thành phố đã ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch thực hiện giảm nghèo cả năm, có sự phân công, giao việc cụ thể, sát thực cho từng đoàn thể ở mỗi xã, phường. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động hỗ trợ công tác giảm nghèo như: phong trào Ngày vì người nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới… nhằm động viên, phát huy tinh thần tự chủ của người dân vươn lên thoát nghèo. UBND các xã, phường nắm chắc số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, hiểu rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ để từ đó có biện pháp giúp đỡ phù hợp.
Qua điều tra, tìm hiểu của Phòng LĐ-TB-XH TP Tuy Hòa, nguyên nhân nghèo chủ yếu là do thiếu đất sản xuất, người dân không có tay nghề hay nghề nghiệp không ổn định, đông con… Những biện pháp giảm nghèo chủ yếu và hiệu quả mà TP Tuy Hòa áp dụng là mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi, giới thiệu và giải quyết việc làm, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững. Từ những hoạt động tích cực của các ngành và địa phương, đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Cụ thể, Hội Phụ nữ với phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; Hội Nông dân vận động hỗ trợ hội viên nông dân vượt khó; Đoàn Thanh niên thi đua lập nghiệp, lao động, sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế địa phương…
Năm 2011, TP Tuy Hòa có 513 hộ giảm nghèo, còn 2.276 hộ, chiếm tỉ lệ 5,22%. Trong đó, xã An Phú có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất thành phố, chiếm 13,4%; thấp nhất là phường 1, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 2,34%, khoảng 39 hộ. Năm 2012, TP Tuy Hòa phấn đấu giảm 350 hộ nghèo, khoảng 0,66%. |
Ông Nguyễn Ngọc Tân, xã Bình Ngọc, cho biết: “Gia đình tôi quyết định đầu tư trồng rau an toàn trên diện tích 1.200m² theo phương châm “4 không”: không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không hàm lượng nitrate, không hàm lượng kim loại nặng, không có vi sinh vật gây hại. Nhờ áp dụng đầy đủ các quy trình trên nên khi làm, chi phí đầu tư rất thấp, nhưng cho lợi nhuận cao. Khi thu hoạch, thường đạt từ 1-1,2 tấn/sào. Nhờ đó mà kinh tế gia đình ngày càng khá hơn, không còn vất vả như trước nữa”. TP Tuy Hòa cũng xây dựng mô hình nuôi bò tại các xã Bình Ngọc, Bình Kiến, Hòa Kiến, An Phú và các phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông bằng nguồn ngân sách địa phương cho nông dân vay để thực hiện. Gia đình anh Đỗ Văn Tới, xã Bình Kiến đầu tư nuôi heo kết hợp trồng hoa, cây cảnh, cho biết: Lúc đầu gia đình tôi vay vốn Nhà nước để nuôi hai con heo, nay đã được 10 con. Kết hợp nuôi heo và trồng hoa cây cảnh, cuộc sống gia đình anh Tới đã khá hơn trước và là một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố. Anh nói: “Nhờ phát triển chăn nuôi và trồng hoa cây cảnh có hiệu quả nên gia đình tôi có cuộc sống ổn định”. Theo anh Tới, nuôi heo bài bản chính là một trong những nghề thoát nghèo và anh sẽ nỗ lực để phát triển nếu được nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ vốn, kỹ thuật.
Ông Trần Hiền, Phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Trong năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo được chính quyền thành phố và các phường, xã triển khai kịp thời và đồng bộ như: hỗ trợ tín dụng ưu đãi để sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn học phí cho con hộ nghèo vay vốn học sinh - sinh viên; xây nhà đại đoàn kết; trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn TP Tuy Hòa đã thu hút được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, nhiều người nghèo ở địa phương ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Những kết quả đáng khích lệ này bắt nguồn từ việc triển khai các mô hình giảm nghèo phù hợp và đạt hiệu quả.
KIM CHI