Chủ Nhật, 06/10/2024 23:19 CH
Người lao động ngại xuất khẩu… việc làm
Thứ Năm, 12/04/2012 10:30 SA

Thời gian qua, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là xuất khẩu lao động - XKLĐ) ở Phú Yên trầm lắng. Sở LĐ-TB-XH tỉnh đang đẩy mạnh công tác tư vấn, kịp thời thông tin về các thị trường lao động và các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác này.

 

tuyen-dung120412.jpg

Tại các phiên giao dịch việc làm, các doanh nghiệp trực tiếp tư vấn, tuyển dụng lao động để đi XKLĐ - Ảnh: N.HÂN

ĐA DẠNG NHU CẦU XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

 

Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) đang đăng tuyển lao động cho khoảng 10 thị trường lao động ngoài nước như: Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Arap Saudi, Singapore, Úc, các nước Trung Đông… Các ngành nghề tuyển dụng cũng khá quen thuộc với lao động phổ thông như: may, dệt, hàn, tiện, bao bì, lắp ráp điện tử, lái xe, phục vụ nhà hàng, khách sạn, bán hàng... với đủ độ tuổi, trình độ học vấn. Trong đó, người lao động cần lưu ý lợi thế về các ngoại ngữ: Anh, Nhật, Hàn, Nga... tùy từng thị trường để có kế hoạch trau dồi kiến thức.

 

Ngoài việc chọn lựa các thị trường lao động phù hợp về điều kiện và tiêu chuẩn, người lao động phải lưu ý về chi phí (không kể các chi phí ban đầu và chi phí phát sinh), hầu hết đều khá cao. Tuy nhiên, theo các nhà tuyển dụng lao động, sau khi đi làm, với mức lương hằng tháng, người lao động có thể nhanh chóng bù đắp khoản chi phí trước đó. Chẳng hạn, thị trường Nhật Bản, Úc, New Zealand cần tuyển lao động ngành may, cơ khí, mộc xây dựng, tổng chi phí khoảng 90- 180 triệu đồng, lương cơ bản: 13-30 triệu đồng/tháng. Thị trường Malaysia tuyển công nhân làm vàng bạc đá quý, thợ hàn, điêu khắc, tổng chi phí 18- 24 triệu đồng, lương cơ bản 7 triệu đồng/tháng.

 

Theo ông Hoàng Tự Đức, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, để hạn chế thấp nhất những rủi ro như tình trạng về nước trước thời hạn vì việc làm không ổn định, thu nhập thấp, bị mất việc như sự cố Malaysia những năm trước đây…, trung tâm chỉ hợp đồng tuyển và cung ứng lao động với các công ty XKLĐ có uy tín và kinh nghiệm. Ngoài ra, các thị trường lao động trên không chỉ gần gũi, phù hợp mà còn đảm bảo quyền lợi người lao động theo Luật Lao động của nước sở tại.

 

Năm 2011, 367 lao động địa phương được tuyển chọn và đưa đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, ngoài đề án có 215 lao động và trong đề án có 152 lao động đi XKLĐ, tập trung nhiều nhất ở Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan... Tuy số người XKLĐ không nhiều như những năm trước nhưng hầu hết đều có việc làm ổn định và thu nhập đáng kể, mang lại hiệu quả cao.

 

CẦN ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG

 

Ngoài việc đăng tải các thông tin tuyển dụng và giới thiệu các thị trường lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi về phòng LĐ- TB-XH các huyện, ngành chức năng và chính quyền các địa phương để thông báo, sở còn mở các lớp tập huấn từ huyện đến xã, phường, thôn, khu phố nhằm giúp đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết việc làm nắm bắt kịp thời những chính sách pháp luật mới của Đảng, Nhà nước về công tác giải quyết việc làm và XKLĐ. Ngành LĐ-TB-XH phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các phiên giao dịch việc làm ở từng huyện, thị, thành phố và từng cụm điểm giao dịch việc làm theo khu vực liên huyện để tạo cơ hội cho người lao động tìm được việc làm phù hợp, tạo điều kiện cho các chủ doanh nghiệp trực tiếp tư vấn và tuyển lao động đủ tiêu chuẩn làm việc ở nước ngoài.

 

Thực tế cho thấy, công tác XKLĐ ở Phú Yên đang gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Phổ, Trưởng phòng Việc làm - Xuất khẩu lao động (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: “Thời gian tới, để tháo gỡ vướng mắc trong công tác XKLĐ, ngoài việc tiếp tục hỗ trợ vốn vay (lao động thuộc gia đình chính sách, nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với mức 30-50 triệu đồng/ lao động), cần tăng cường đưa thông tin XKLĐ về cơ sở; tổ chức các đợt tư vấn lưu động, hội nghị thông tin về XKLĐ ở các huyện; giao chỉ tiêu vận động XKLĐ ở từng địa phương... Với trình độ, năng lực của người lao động cộng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lao động Phú Yên hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các thị trường XKLĐ. Điều cần thiết là cần nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương cũng như năng lực của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác XKLĐ, kịp thời cập nhật thông tin và tuyên truyền đúng, đủ nội dung công tác này đến các tầng lớp nhân dân có nhu cầu và quyết tâm đi làm việc ở nước ngoài. Thêm vào đó, cần nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút người đi XKLĐ”.

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek