Thời gian gần đây, bánh tráng ở Phú Yên chính thức có nhãn hiệu đã làm người dân ở các làng nghề làm bánh vui mừng. Trong niềm vui chung ấy có sự nỗ lực góp sức không nhỏ của làng nghề bánh tráng Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa).
Bà con làng nghề bánh tráng Đông Bình, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) - Ảnh: K.CHI
TIN VUI ĐẾN VỚI LÀNG NGHỀ
Giữa tháng 4, ở làng nghề bánh tráng Đông Bình, hàng trăm lao động hối hả làm bánh, phơi bánh hàng trăm vỉ dưới trời nắng gắt để kịp bán cho khách hàng. Chị Phan Thị Hương, 45 tuổi quệt những giọt mồ hôi lăn dài trên má, chị tâm sự: “Tôi mới đi dự lễ công bố nhãn hiệu bánh tráng Phú Yên về, mừng lắm. Hơn 20 năm gắn bó với nghề này, giờ mới biết thế nào là hội nhập và phát triển. Chúng tôi cố gắng làm, giữ gìn cái nghề truyền thống này, hy vọng sắp tới sẽ được khắp nơi biết đến”.
Ông Phạm Hoàng Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết: Làng nghề bánh tráng Đông Bình đã được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống khá lâu rồi, và hiện bà con giữ gìn thương hiệu truyền thống rất tốt. Để làng nghề bánh tráng Đông Bình phát triển, huyện đã đầu tư mở rộng một số cơ sở, bê tông hóa đường giao thông vào làng nghề; xây dựng cổng, đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã vạch, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tham quan học hỏi kinh nghiệm. |
Ở cái tuổi 85 nhưng cụ Kiều Thị Tám vẫn cần mẫn phụ giúp con cháu sắp xếp bánh tráng và cột lại thành ràng. Cụ cho biết: Tui đã theo nghề ngay từ nhỏ, làng nghề cũng có tuổi ngang bằng với tuổi tui bây giờ. Với ngần ấy kinh nghiệm, cụ chia sẻ: Để bánh tráng Đông Bình có được thương hiệu như ngày hôm nay, hơn 100 hộ làm bánh ở đây đã phải ngày đêm gìn giữ những kinh nghiệm quý báu của ông cha và tiếp thu những công nghệ làm bánh hiện đại thời nay. Từ việc chọn loại gạo đến xay bột, tráng bánh, xếp, phơi bánh đòi hỏi người làm bánh phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và dồn hết tâm huyết vào công việc. Có như vậy, chiếc bánh khi đưa ra thị trường mới ngon, trắng và để người ăn nhớ mãi. “Cái nghề này làm giàu thì khó, nhưng lúc nào cũng có công ăn việc làm, có đồng ra đồng vô. Giờ đây, mỗi ngày người làng nghề kiếm được từ 50.000-100.000 đồng, mùa tết thì thu nhập tăng hơn” cụ Tám chia sẻ. Trưởng thôn Đông Bình, ông Ngô Ngọc Vũ cho biết: Thôn Đông Bình có hơn 600 hộ dân, trong đó hơn 100 hộ làm nghề sản xuất bánh tráng, thu hút gần 500 lao động. Ngoài cung cấp bánh trong tỉnh, bánh tráng Đông Bình còn tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh, thành trong nước như: Nha Trang, Gia Lai, Bình Định... Hiện tại, mỗi ngày một lò bánh tráng sản xuất khoảng hơn 2.000 cái; mùa tết thì 2.500-3.000 cái/ngày nhưng cũng không đủ bán.
ĐỂ BÁNH TRÁNG ĐÔNG BÌNH VƯƠN XA
Năm 2008, Hiệp hội bánh tráng Đông Bình được thành lập theo Quyết định số 2161/QĐ-UBND ngày 24/12/2008 của UBND tỉnh nhằm liên kết các hộ sản xuất bánh tráng, phát huy vai trò kinh tế tập thể, hỗ trợ các thành viên tiếp cận thông tin thị trường, thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động trong làng nghề. Năm 2009-2010, hiệp hội cũng được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn cho hơn 100 hộ tham gia sản xuất bánh tráng đạt chất lượng. Hiện có ba cơ sở được hỗ trợ đầu tư công nghệ mới làm bánh tráng. Cơ sở bánh tráng Quang Minh là một trong ba cơ sở đã đầu tư công nghệ tráng bánh bán tự động và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ cơ sở bộc bạch: Nhờ có hiệp hội, chúng tôi được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. Từ đó, chúng tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình bên cạnh nét chung của nhãn hiệu bánh tráng Phú Yên. Đây là cơ sở giúp chúng tôi tự tin chào hàng rộng rãi trên thị trường, kể cả thị trường nước ngoài.
KIM CHI