Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, người phụ nữ có nhiều cơ hội để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Tuy nhiên họ đối mặt với không ít khó khăn khi phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”
Người đàn ông trong gia đình có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ phụ nữ thực hiện nhiệm vụ “hai giỏi” - Ảnh: L.MINH
Phụ nữ ngày xưa chỉ quẩn quanh sau cánh cửa gia đình nhỏ hẹp thì ngày nay đã bước ra ngoài xã hội và có những đóng góp hết sức tích cực. Họ được học hành, làm việc, thăng tiến và ngày càng có nhiều cơ hội để khẳng định giá trị của bản thân. Hiện không ít chị em có ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tham gia phòng chống tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ, khuyến khích của xã hội, thì phụ nữ vẫn phải đối mặt với không ít áp lực, bởi bên cạnh việc phải hoàn thành tốt công tác ngoài xã hội thì chị em vẫn phải đảm trách vai trò chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái. Trong khi đó, những quan niệm định kiến giới trong xã hội vẫn còn khá nặng nề với phụ nữ. Cách nhìn nhận đánh giá sự thành công của người phụ nữ nhiều khi còn khắt khe hơn với nam giới.
Trên thực tế, để hoàn thành tốt công việc gia đình và xã hội, chị em rất cần được chia sẻ thông cảm từ những người thân trong gia đình, đặc biệt là các ông chồng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên nói: “Tôi cảm thấy mình may mắn vì chồng tôi luôn hiểu, thông cảm và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành tốt công việc của mình” khi chia sẻ với chúng tôi về những thành công trong công việc của một phụ nữ làm công tác khoa học. Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào cũng may mắn nhận được sự hậu thuẫn của người chồng như tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang. Trong khi đó, giỏi cả việc nước lẫn việc nhà thường là đòi hỏi quá lớn ở chị em. Chị Nguyễn Thị Mai, ở phường 9 (TP Tuy Hòa) nói rằng: “Sau một ngày làm việc như nhau, nhưng chiều về các ông chồng có thể đi chơi, cà phê thậm chí là “chén tạc chén thù” với “chiến hữu” cho đến tận tối khuya… Trong khi đó, chị em phải “vắt chân lên cổ” lo cơm nước, giặt giũ, tắm rửa cho con mệt đứ đừ không còn thời gian đâu để nghỉ ngơi”.
Nhiều người nói rằng, hiện nay, những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại đã phần nào giúp giảm bớt áp lực cho người phụ nữ trong công việc nội trợ đấy thôi. Song dù sự hỗ trợ ấy có tiên tiến đến đâu thì phụ nữ vẫn đối mặt với không ít áp lực trong việc chăm sóc gia đình và công việc ngoài xã hội.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề làm thế nào để phụ nữ hài hòa trong công việc gia đình và xã hội mà không bị áp lực quá tải, bà Đỗ Thị Phương Nam, Trưởng ban Gia đình - xã hội, Hội LHPN tỉnh cho rằng: Chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái là cả trách nhiệm của vợ lẫn chồng. Vì thế để có những phụ nữ “hai giỏi” thì chỉ kêu gọi phụ nữ chưa đủ, mà rất cần sự vào cuộc của các ông chồng. Họ cần học cách chia sẻ, cảm thông với phụ nữ, cùng cố gắng làm tròn trách nhiệm với gia đình và xã hội. Từ chỗ nhận thức đúng đắn về những vai trò trách nhiệm của mỗi giới mới có thể xây dựng được hạnh phúc gia đình êm ấm và mới có thể góp phần xây dựng một xã hội văn minh có sự bình đẳng về giới.
DUYÊN HẢI