Thứ Ba, 08/10/2024 07:33 SA
“Tình yêu” thổ cẩm
Thứ Bảy, 24/03/2012 18:00 CH

Trước sự giao thoa và phát triển của cuộc sống hiện đại, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang có nguy cơ mai một. Nhưng ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) vẫn có những người phụ nữ say mê với nghề truyền thống của dân tộc. Họ lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc với tất cả tình yêu lẫn sự say mê, trách nhiệm.

tho-cam120324.jpg

Nay Hờ Chăm cần mẫn bên khung dệt - Ảnh: N.DUNG

ĐAM MÊ THỔ CẨM

Đó là một ngày hết sức đặc biệt với Nay Hờ Chăm ở thị trấn Hai Riêng, vì chị được mang những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ê Đê về giới thiệu với người miền xuôi. Nhớ lại cảm xúc lúc ấy, Hờ Chăm mỉm cười: “Hôm ấy, mình vui lắm, vì có cơ hội “quảng bá” nghề dệt thổ cẩm, cũng như nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống người đồng bào mình”.

Dù ngày hội triển lãm sáng tạo của phụ nữ Phú Yên đã qua từ lâu nhưng dư âm của nó vẫn còn theo Hờ Chăm mãi. Bà Nay Hờ Yoan (tên thường gọi là mí Sơn), hơn ai hết là người hiểu rất rõ tình cảm đặc biệt của con gái mình dành cho thổ cẩm. Bởi ngay từ hồi còn nhỏ xíu như trái bắp trên nương, Hờ Chăm của bà đã bị thu hút bởi những họa tiết hoa văn rực rỡ sắc màu trên những tấm choàng, tấm địu trẻ con, những bộ váy… thổ cẩm. Những hoa văn được cách điệu hình dáng từ cây cỏ, hoa lá, núi rừng, sông suối đến chim muông… có một sức hấp dẫn kỳ lạ với cô bé Hờ Chăm. Cô nhìn thấy những cánh rừng trập trùng, những dòng suối thác bạc trắng xóa và những nụ sim tím hiền hòa, những cây dương xỉ xanh non vươn mình trong nắng sớm… thấp thoáng ẩn hiện trên những nét hoa văn được tạo nên từ đôi tay cần mẫn, khéo léo thấm đẫm tình yêu của bà, của mí mình ở đó. Vào mỗi dịp buôn làng tổ chức lễ hội hay dịp tết, cô bé Hờ Chăm luôn cảm thấy hãnh diện khi được khoác trên người bộ váy áo thổ cẩm rực rỡ do chính mẹ mình dệt nên.

Những mùa trăng đi qua, cô bé Hờ Chăm ngày nào đã trở thành thiếu nữ, rồi đến tuổi “bắt” chồng, sinh con. Ngày cưới của Hờ Chăm, bên cạnh những lễ vật khác, món quà mà Hờ Chăm mang theo là những bộ váy, áo, khố dệt bằng thổ cẩm để tặng cho cha mẹ chồng. Để có được “lễ vật cưới” này, Hờ Chăm phải nhờ sự chỉ dẫn, hỗ trợ của mẹ rất nhiều. Bởi để làm ra chiếc khố, tấm váy, áo… mọi việc phải được tính toán cùng lúc và ngay từ đầu, từ kích cỡ người mặc, đến hoa văn trên từng mặt vải. Người “thợ” dệt cùng một lúc phải đảm nhận nhiều công đoạn phức tạp từ thiết kế tạo mẫu hoa văn, đến các khâu dệt, may, thêu. Nếu người phụ nữ không khéo léo, cần mẫn, chịu thương chịu khó, thì không thể có được những sản phẩm tinh xảo.

Không chỉ làm quà cưới cho gia đình bên chồng, những bộ thổ cẩm còn được xem như của hồi môn của cha mẹ tặng cho con gái khi về nhà chồng nữa. Chính vì ý thức được giá trị văn hóa tinh thần đầy ý nghĩa của những bộ trang phục truyền thống của người đồng bào mình, nên Hờ Chăm luôn có ý thức gìn giữ. Ở tuổi 28, Hờ Chăm đã là Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hai Riêng, với hơn 1.000 hội viên ở 10 khu phố, 5 buôn của người đồng bào dân tộc Ê Đê, Tày, Nùng. Mặc dù rất bận bịu với công việc của Hội phụ nữ, chăm sóc con gái nhỏ, rồi đi học (Hờ Chăm đang theo học năm thứ ba ngành kinh tế luật của Đại học mở TP Hồ Chí Minh) nhưng hễ khi nào rảnh rỗi, chị lại ngồi vào khung dệt. Khỏi phải nói cũng biết bà Nay Hờ Yoan vui như thế nào trước ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống người Ê Đê của con gái mình.

HẠT NHÂN ĐỂ LƯU TRUYỀN, GÌN GIỮ

Trò chuyện với Hờ Chăm, chúng tôi thực sự bị thu hút bởi sự tự tin, hiểu biết của chị. Chị bày tỏ sự say mê khi nói về nghề thổ cẩm. Chị cười vui: “Tôi rất thích thổ cẩm, nếu nói về những điều đó chắc là nói cả ngày cũng chưa hết chuyện”. Hờ Chăm nói: “Không có nhiều thời gian cho học nghề nên đến giờ tôi vẫn chưa thể nắm bắt hết kỹ thuật gầy dựng những hoa văn phức tạp. Vì thế, tôi còn phải học nhiều thứ mới có thể biết được nghề dệt”. Hờ Chăm “khoe”, chị có một người chị họ 29 tuổi (tên thường gọi là mí Hoan) nắm bắt rất nhanh kỹ thuật gầy dựng hoa văn và rất có khiếu dệt. Chị ấy là niềm “hy vọng” của cả gia đình chị. Rồi Hờ Chăm trăn trở: “Ở thị trấn Hai riêng này, chỉ còn khoảng 30-40% phụ nữ biết nghề dệt”. Đây cũng là nỗi trăn trở của những phụ nữ tâm huyết với nghề dệt.

Ngày trước, để dệt thổ cẩm, bà và mẹ của Hờ Chăm phải lên rẫy mang những cây bông vải về phơi khô kéo thành sợi, rồi lặn lội vào rừng tìm cây cho màu để nhuộm vải... Còn bây giờ, chỉ cần bước ra chợ thị trấn mua loại len, chỉ nào cũng có, màu sắc lại đa dạng nên thời gian làm ra một sản phẩm cũng được rút ngắn. Tuy là khâu “nguyên liệu” giản tiện hơn, nhưng để dệt nên một tấm thổ cẩm đẹp, tinh xảo thì đòi hỏi phụ nữ vẫn phải hết sức kiên trì, nhẫn nại. Tùy theo mỗi loại sản phẩm váy, áo, khố, tấm đáp, túi xách… mà thời gian dệt có thể kéo dài từ một tuần đến vài tháng.

Hờ Chăm bảo, với trách nhiệm của một cán bộ Hội phụ nữ, cô sẽ tích cực tuyên truyền vận động để chị em lưu giữ nghề truyền thống của người đồng bào. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sông Hinh Phan Thanh Quyền nói rằng, trước khi các cấp, các ngành và chính quyền địa phương có những đề án bảo tồn, khôi phục làng nghề truyền thống, thì ý thức trách nhiệm giữ gìn “truyền lửa” của phụ nữ người đồng bào, nhất là thế hệ trẻ rất đáng trân trọng. Họ chính là những hạt nhân đáng quý trong việc lưu truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek