Về làng biển Phú Lạc xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, nghe người dân ở đây nói nhiều về ngư dân Ba Thoại, ông ấy là “ngư ông số một”. Với bề dày về kinh nghiệm nhiều năm bám biển, không chỉ làm ăn giỏi mà Ba Thoại còn là “ân nhân” của nhiều người khi không may gặp nạn trên biển.
Ngư dân Nguyễn Văn Thoại - Ảnh: L.VŨ |
Ba Thoại là tên người dân làng biển Phú Lạc thường gọi, còn tên của ông là Nguyễn Văn Thoại. Năm nay, ông đã bước qua tuổi 50, dáng người cao to, nét mặt đôn hậu. Sinh ra và lớn lên ở làng biển nên nghề biển với Ba Thoại vừa là “nghiệp” gia truyền, vừa là sự sống và niềm vui. “Một hai ngày mà không ra biển là tôi thấy khó chịu không chịu được” Ba Thoại bộc bạch.
Ông Nguyễn Lâm, một lão ngư ở thôn Phú Lạc cho biết, Ba Thoại hiện là Tổ trưởng Tổ Tàu thuyền an toàn (TTAT) thôn Phú Lạc. Năm 2005, theo sự vận động của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam và Hội Nông dân xã, tổ TTAT thôn Phú Lạc được thành lập, Ba Thoại được anh em ngư dân bầu làm “người cầm trịch” cho đến nay. “Nhờ có cái tâm, cái tình”, Ba Thoại đã thuyết phục được hết thảy anh em trong tổ, tập hợp thành từng nhóm để làm ăn, cùng nhau bảo vệ biển và hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn. Anh em giao ước với nhau, khi ra khơi gặp luồng cá thì phải mở đàm gọi cả tổ cùng đến đánh bắt; gặp rủi ro là báo tin nhanh để anh em đến ứng cứu kịp thời và sẵn sàng ứng cứu những trường hợp không may gặp nạn trên biển. Khi ai đó có dấu hiệu làm ăn bị sa sút thì cả tổ hỗ trợ, giúp đỡ để khôi phục lại nghề” lão ngư Nguyễn Lâm tâm đắc. Và Ba Thoại là người gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện “cam kết” này.
Một buổi chiều cuối năm 2008, biển động rất mạnh. Sau chuyến đánh bắt trở về, chiếc tàu cá của Ba Thoại luôn lắc lư, tròng trành trước sóng gió. Chợt anh nghe có tiếng kêu cứu ở bên tai. Lúc này, trời đã chập choạng tối nhưng Ba Thoại quyết định không vào bờ mà tăng tốc, cho tàu chạy về hướng có người bị nạn. Sóng càng lúc càng mạnh như muốn nuốt chửng chiếc tàu cá của anh. Nhưng với kinh nghiệm dạn dày, anh cho tàu dựa theo chiều con sóng và cứ thế lướt tới. Quả đúng, giữa dập dờn sóng biển, Ba Thoại lờ mờ nhìn thấy một chiếc vỏ lườn ngập nước cùng ba người đang cố sức dùng chiếc áo phất mạnh làm hiệu. Tức tốc, anh cho tàu lại gần, nhanh chóng thả thúng chai áp sát vào mạn chiếc vỏ lườn bị nạn rồi buộc dây kéo, lần lượt đưa ba người lên tàu của mình, trong đó có hai đứa trẻ khoảng 9, 10 tuổi. Lên được bờ, người đàn ông được Ba Thoại cứu cho biết, họ là ba cha con ở làng chài Vũng La (Sông Cầu), ra biển ngày hôm trước và ghe bị chết máy, sóng đánh đứt dây neo trôi tự do từ nửa đêm qua. Khi ghe bị lật úp, ba cha con gần như đã tuyệt vọng…
Ông Nguyễn Học, ở làng biển Phú Thọ (xã Hòa Hiệp Trung), một trong những chủ phương tiện từng được Ba Thoại cứu khi gặp nạn năm 2009, kể: “Hôm ấy, tàu tôi trúng mẻ cá ồ rất lớn, đang trên đường vào bờ thì bị gãy tay lái. Trong lúc hoảng loạn, tôi mở máy đàm gọi, chỉ cầu may có ai đó thương tình đến cứu và bắt liên lạc được Ba Thoại. Dù vừa mới xuất bến và cách nhau hơn 10 hải lý nhưng Ba Thoại vẫn đến cứu hộ, lai dắt đưa toàn bộ những người trên tàu vào bờ an toàn. Chuyến biển đó, Ba Thoại chỉ đánh được vài ký cá, không đủ tổn. Tôi đề nghị gửi phần tiền dầu đã lai dắt tàu, nhưng anh nhất quyết không chịu. Anh khẳng khái: “Làm ăn trên biển, gặp người bị nạn mà cứu giúp là việc bình thường. Anh dùng tiền này để làm nước và sửa lại chiếc tàu cho chắc chắn để đi biển cho an toàn…”
Ba Thoại là người rất có kinh nghiệm trong việc “né”, tránh bão và cũng là người chưa hề bị thất bại hay bỏ cuộc trong những lần đi cứu nạn. Cũng như Ba Thoại, hiện tất cả thành viên trong Tổ TTAT của anh đều vững vàng trong chuyện làm ăn, bám biển. Mùa hè cũng như mùa đông, rất ít khi họ để phương tiện nằm bờ dài ngày. “Ngoài hỗ trợ nhau khai thác đánh bắt hải sản, làm giàu chính đáng, Tổ TTAT thôn Phú Lạc cũng đã góp phần trong việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” thiếu tá Trịnh Đình Bá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam cho biết.
LÊ VŨ