Thứ Ba, 08/10/2024 09:55 SA
Chăm sóc sức khỏe lao động tại các làng nghề:
Chưa mặn mà!
Thứ Sáu, 23/03/2012 08:10 SA

Hoạt động sản xuất tại các làng nghề không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động mà cả người dân sống trong khu vực làng nghề. Các bệnh và triệu chứng họ thường gặp về tai, mũi, họng, mắt, thần kinh, phổi là phổ biến. Vì vậy việc cải thiện điều kiện lao động và nâng cao sức khỏe cho người lao động làm việc tại các làng nghề, đặc biệt là nghề truyền thống đang là một vấn đề cần được các ngành, các cấp quan tâm.

 

lo120323.jpg

Người lao động tại làng nghề gốm xã Hòa Vinh (Đông Hòa) làm việc trong điều kiện không có bất kỳ phương tiện bảo hộ lao động nào - Ảnh: K.CHI

CHƯA QUAN TÂM ĐẾN BẢO HỘ LAO ĐỘNG

 

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên-Môi trường, toàn tỉnh có 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp thu hút 2.699 hộ và 6.783 người tham gia sản xuất. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất hàng hóa truyền thống nhỏ lẻ cũng thu hút một lượng lớn lao động.

 

Tại cơ sở sản xuất chổi đót ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), hàng chục lao động nữ ngồi phân loại đót, làm sạch và bó đót… nên mùi và bụi đót bay mịt cả khu sản xuất, khiến bầu không khí ngột ngạt. Trong khi đó, chị Lê Thị Sắc vẫn thản nhiên ngồi làm mà không hề có khẩu trang, hay bất kỳ đồ dùng bảo hộ lao động nào. Chị Sắc cho biết: “Tôi làm công việc này gần 5 năm rồi, mỗi ngày kiếm được 50.000 đồng. Tôi hay bệnh lặt vặt như viêm mũi, ho, không đi khám sức khỏe nên tôi không biết có bệnh gì nguy hiểm nữa không”.

 

Đang vào mùa sản xuất chính nên nhân công tại các lò gạch ngói tại các xã Hòa Hiệp Trung, Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), Hòa Trị, Hòa An (huyện Phú Hòa)… làm việc cật lực, các lò nung luôn đỏ lửa. Phải tiếp xúc thường xuyên với bụi bẩn nhưng nhiều lao động tại các làng nghề này cho hay, hầu như chủ lò không trang bị găng tay và khẩu trang cho người lao động. Chị Bùi Thị Hiền, đang làm việc tại một lò gạch ở thôn Đông Phước, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) nói: “Làm gạch ngoài trời nắng nên tôi mang khẩu trang chống nắng thôi, chứ lao động như tôi có ai cấp khẩu trang, bao tay gì đâu”. Chị Trần Thị Bích (thôn 5, Hòa Vinh) có thâm niên làm nghề gốm nung hơn 20 năm, cho biết làm nghề đứng lò nung hứng chịu nhiều bụi và khói.

 

Ông Huỳnh Ngọc Sương, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa thừa nhận, việc ô nhiễm tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện có xảy ra. Một vài hộ ở khu vực làng nghề có đơn khiếu kiện một số cơ sở làng nghề gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

 

CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

 

Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh nghề nghiệp tại các làng nghề là do sự bất cẩn của con người; người sử dụng lao động không nắm vững các nguyên tắc về vận hành máy móc; máy móc không được bảo hành, bảo dưỡng. Chủ sử dụng lao động thường đưa ra các lý do như: vì là cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống, theo mùa vụ và những lao động chủ yếu làm việc trong lúc nông nhàn, chỉ cần giao việc và trả lương đầy đủ là xong! Những bệnh mà người lao động tại các làng nghề mắc phải là đau lưng, đau mắt, gai cột sống, các bệnh về hô hấp, nhiễm độc hóa chất do tẩm màu… Theo một khảo sát mới đây của Bộ LĐ-TB-XH, có khoảng 31% số người lao động tại các làng nghề bị mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp, trong đó chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp (32,6%), bệnh về mắt (29,7%), bệnh điếc do tiếng ồn (11,3%), bệnh tim mạch (18%)... Điều đó chứng tỏ sức khỏe của lao động ở các làng nghề nói riêng và công nhân tại các xưởng sản xuất nói chung chưa được quan tâm đúng mức.

 

Bác sĩ Huỳnh Thế Vinh, Phó Trưởng khoa vệ sinh - xét nghiệm (Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên), cho biết: Bệnh nghề nghiệp thì không thể tránh khỏi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh, kể cả sự vô trách nhiệm với bản thân và thiếu hiểu biết của người lao động dẫn đến tai nạn và bệnh tật đáng tiếc. Trong trường hợp này, lẽ ra chủ sử dụng lao động phải có biện pháp đảm bảo an toàn lao động tối đa thì họ cũng đồng tình với công nhân”. Còn theo ông Đinh Khắc Đô, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, công tác quản lý y tế, theo dõi sức khỏe lao động tại các làng nghề lâu nay còn bỏ ngỏ, chưa có ai quan tâm thật sự. Có chăng chỉ là bản thân người lao động tự lo. Theo tôi, việc đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động trong các làng nghề cần phải có sự kiểm tra, theo dõi quyết liệt. Điều đó đòi hỏi sự phối hợp từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở mỗi làng nghề.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek