Thời gian qua, nhờ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, các cấp lãnh đạo quan tâm hơn đến công tác phòng chống cháy nổ (PCCN); các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, sản xuất đã triển khai thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC)… nên hạn chế số vụ cháy, nổ xảy ra. Tuy nhiên, thiệt hại do cháy, nổ gây ra là không nhỏ. Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ vẫn rất cao, nhất là trong mùa nắng, nóng.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Phú Yên - Ảnh: N.XUÂN
NHỮNG BÀI HỌC ĐẮT GIÁ
Năm 2011, tổng kết 50 năm thực hiện Pháp lệnh PCCC và 10 năm thực hiện Luật PCCC và Ngày Toàn dân PCCC (4/10), cùng với tham mưu cho tỉnh triển khai các hoạt động về Ngày Toàn dân PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC - Cứu nạn cứu hộ Công an Phú Yên đã phối hợp với lực lượng ở cơ sở tổ chức diễn tập chữa cháy tại 15 cơ sở lớn, như: Khách sạn CenDeluxe (Công ty cổ phần Thuận Thảo), Công ty TNHH Thai Nakorn Panata Việt Nam, Khách sạn Kaya, Xí nghiệp chế biến nhân hạt điều xuất khẩu (KCN Hòa Hiệp)…; đồng thời mở đợt kiểm tra, tuyên truyền về công tác PCCN tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy… có nguy cơ cháy, nổ cao. Thông qua đó tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCN, PCCC đến cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, kịp thời nhắc nhở, đề ra hướng xử lý, khắc phục kịp thời những thiếu sót tại các đơn vị đã được kiểm tra. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn tỉnh đã thành lập đội PCCC cơ sở và tổ chức công tác huấn luyện cho lực lượng này theo quy định; mua sắm các phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ, thực hiện tốt công tác phòng cháy…
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định về PCCN, vẫn còn một số nơi do chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống đã để xảy ra cháy. Như vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty cổ phần PYMEPHARCO ngày 18/6/2011, tiếp đó là hàng loạt vụ cháy rừng xảy ở Phú Hòa, Tuy Hòa, Tây Hòa và TX Sông Cầu gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Đây là những bài học kinh nghiệm đắt giá trong công tác PCCN nói chung, PCCC nói riêng.
Theo cơ quan chức năng, hầu hết các vụ cháy nguyên nhân là do lỗi chủ quan của con người, như thiếu sự kiểm tra về an toàn trong PCCN; quên ngắt nguồn điện khi ra khỏi phòng; sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã tùy tiện; để những thứ dễ cháy, dễ bén lửa gần bên nguồn nhiệt; vứt tàn thuốc đang cháy vào rừng, đốt rẫy, đốt tổ ong dẫn đến cháy lây lan… Trong khi đó, lực lượng chữa cháy tại chỗ yếu về nghiệp vụ, thiếu phương tiện, khi xảy ra cháy không phát hiện, báo động, chữa cháy kịp thời, dẫn đến cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Diễn tập công tác phòng cháy chữa cháy hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN - Ảnh: X.HIẾU
CẢNH GIÁC CAO KHI THỜI TIẾT NẮNG, NÓNG
Trung tá Nguyễn Trung Thành, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC - Cứu nạn cứu hộ Công an Phú Yên cho biết, mới đây, qua kiểm tra tại 62 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều chấp hành tốt các quy định về PCCN. Tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ sở, trong đó có cơ sở đã từng xảy ra cháy lớn, mắc một số thiếu sót, cần sớm được khắc phục như: chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; chưa kiểm tra điện trở nối đất hệ thống chống sét đánh thẳng; chưa kịp thời sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống báo cháy tự động; hệ thống cấp nước chữa cháy không bảo đảm yêu cầu chữa cháy; chưa bổ sung kịp thời hồ sơ quản lý công tác PCCC phù hợp với tình hình thực tế...
Cũng theo trung tá Nguyễn Trung Thành, hiện nay đã bắt đầu vào thời điểm nắng nóng, rất dễ xảy ra cháy, nổ, nhất là cháy rừng; khi cháy ngọn lửa rất dễ lây lan và rất khó dập tắt vì nguồn nước tự nhiên như ao, hồ… cạn kiệt, vì vậy cần phải cảnh giác cao: phòng cháy hơn chữa cháy. Để đảm bảo an toàn trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh, hơn ai hết, các cơ quan, đơn vị và từng hộ dân phải đặt công tác phòng cháy lên hàng đầu. Đối với những nơi nguy cơ xảy ra cháy nổ cao như các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở in… cần tăng cường tuyên truyền PCCC đến cán bộ công nhân viên, thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy. Đối với các hộ gia đình, chủ hộ cần trau dồi kiến thức PCCC, thoát nạn và phổ biến cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng cùng biết; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun để kịp thời khắc phục những nguy cơ gây cháy; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã…
Do điều kiện kinh tế - xã hội và những khó khăn nhất định nên Phú Yên chỉ mới thành lập một đội PCCC chuyên nghiệp tại trung tâm TP Tuy Hòa. Với lực lượng này và trang thiết bị như hiện có khi xảy ra cháy, nhất là khi vị trí cháy cách xa trung tâm thành phố, rất khó dập tắt kịp thời. Vì vậy, bên cạnh với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng, củng cố và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang thiết bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh, nhằm hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
VĂN LANG