Việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và thực thi pháp luật BHXH ở Phú Yên chưa nghiêm. Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài trách nhiệm của người sử dụng lao động, có phần lỗi từ người thụ hưởng chính sách BHXH.
Công nhân Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam tìm hiểu về các chế độ chính sách và BHXH - Ảnh: N.HÂN
Theo báo cáo của ngành chức năng, đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 336/1.296 doanh nghiệp (đạt tỉ lệ 26%) BHXH cho 14.386/33.681 lao động (đạt tỉ lệ 42,7%). Con số trên chưa phản ảnh đúng thực tế vì nhiều doanh nghiệp (DN) có tên, có đăng ký lao động nhưng không hoạt động hoặc có DN đăng ký lao động ảo hoặc đã ngừng hoạt động…
NGƯỜI LAO ĐỘNG CHƯA MẶN MÀ
Anh Nguyễn Văn Hải, chủ DN sửa chữa máy photo, vi tính ở TP Tuy Hòa có hợp đồng 12 lao động với mức lương từ 2 - 4 triệu đồng/tháng. Sau 3 tháng thử việc vào làm chính thức, anh bảo kế toán liên hệ ngành BHXH lập danh sách, thông báo cho toàn bộ công nhân phải đóng BHXH theo quy định. Thế nhưng, điều anh không ngờ là có đến bốn công nhân xin không tham gia BHXH. Họ trả lời vì không muốn bỏ ra một phần tiền lương của mình để đóng BHXH. Anh Hải tâm sự: “Tôi rất ngỡ ngàng bởi nhiều câu trả lời của họ về BHXH, lâu nay tôi cứ nghĩ DN trốn đóng BHXH cho người lao động chứ ai lại nghĩ người lao động trốn đóng BHXH”. Anh H.M.N, công nhân tại đây cho rằng, số tiền lương ít ỏi anh phải lo cho nhu cầu trước mắt, không nhất thiết phải dành dụm để đóng BHXH! Đồng nghiệp anh có người lại bảo, làm ở các DN ngoài quốc danh nhỏ thế này không đảm bảo lâu dài, nhỡ bỏ việc, ông chủ không ra quyết định nghỉ việc, không trả sổ BHXH thì làm sao!
Theo ông Nguyễn Thành Đức, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, trong khi nhiều lao động ký hợp đồng luôn đòi hỏi với chủ DN phải tham gia BHXH, thì ngược lại cũng có một số lao động lại chần chừ hoặc từ chối khi bắt buộc phải tham gia. Nguyên nhân xuất phát từ hiểu biết về Luật BHXH quá hạn chế của một bộ phận người lao động mà đa phần trong số họ là những người mới ra trường vào làm việc chưa có điều kiện tiếp cận chính sách BHXH và thường xảy ra ở những nơi chưa có tổ chức Công đoàn. Hơn nữa, đa số lao động trên địa bàn tỉnh làm việc tại các DN ngoài quốc doanh nhỏ thường xuyên bỏ việc, bất chấp hợp đồng, và một khi chưa có ý định làm ăn lâu dài thì bản thân họ không muốn đóng BHXH cũng là điều dễ hiểu. Ông Ngô Hưng, Trưởng phòng Kiểm tra BHXH tỉnh cho rằng, người lao động từ chối tham gia BHXH vô tình tạo cơ hội cho chủ DN trốn tránh nghĩa vụ. Đây còn là cái cớ để các ông chủ DN “đổ thừa” hành vi vi phạm pháp luật BHXH của mình khi ngành chức năng vào cuộc.
Đã có nhiều phương thức tuyên truyền được ngành chức năng thực hiện trong thời gian qua, nhưng nhìn chung đa số lao động mới vào làm việc chưa nhận thức rõ quyền lợi của mình khi tham gia BHXH. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài của một số doanh nghiệp cũng ít nhiều tác động tâm lý người làm công bởi không ít trường hợp nghỉ việc nhưng chưa được hưởng chế độ vì đơn vị nợ BHXH.
NGƯỜI LAO ĐỘNG HÃY TỰ TRÁCH MÌNH
Hiện nay, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội nói chung và cho người lao động nói riêng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. BHXH là một trong những chính sách trụ cột của an sinh xã hội vừa mang tính hiện tại, vừa ổn định lâu dài. Mục tiêu Đảng ta đề ra là BHXH cho mọi người lao động, mà bước cụ thể hóa mục tiêu này rõ nhất ở chế độ BHXH tự nguyện dành cho tất cả công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động.
Không tham gia BHXH, quyền lợi của người lao động bị bỏ ngỏ. Thiệt thòi nhất phải kể đến là lao động nữ, vì ngoài thiên chức sinh con phải được hưởng chế độ phụ cấp thai sản và nhiều rủi ro về bệnh nghề nghiệp, ốm đau… Đó là chưa kể thời gian nghỉ hưu của nữ giới sớm hơn nam giới, nên nếu chậm vài năm thì rất nhiều khả năng không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Bà Mai Thị Kim Liên, Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh nói: “Người lao động không tham gia BHXH là tự nhận thiệt thòi về mình, bởi họ chỉ đóng một phần nhưng lại hưởng toàn bộ số tiền đã đóng cho BHXH. Cụ thể là người lao động chỉ đóng 7%, chủ sử dụng lao động đóng 17%. Bản chất BHXH là sự bảo đảm thu nhập thay thế hoặc bù đắp khi có sự kiện bảo hiểm. Do vậy, nếu không tham gia BHXH thì khi người lao động gặp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất… sẽ không được hưởng, trong đó đáng quan tâm nhất là chế độ hưu trí”. Theo bà Liên, trên địa bàn Phú Yên những năm gần đây có không ít trường hợp bị tai nạn lao động nặng nhưng không được hưởng quyền lợi BHXH, thậm chí có người làm việc ở những DN lớn gần chục năm vì lý do trên. Trong những trường hợp này thì họ cũng cần biết… tự trách mình.
Người lao động không tham gia BHXH ngoài việc tự tước đi quyền lợi bản thân mình còn vô hình tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật về BHXH của các chủ DN. Về lâu dài, chính họ đi ngược lại nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc vận động mọi người dân tham gia BHXH vì mục tiêu ổn định đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.
Giải pháp tháo gỡ tình trạng này, theo Giám đốc BHXH tỉnh Trần Quang Vinh, ngành đã và đang tăng cường tuyên truyền, giải thích Luật BHXH đến người sử dụng lao động để họ có hiểu biết nhất định khi vận động người lao động tham gia BHXH. Đồng thời, về lâu dài, ngành BHXH sẽ hướng việc tuyên truyền chính sách BHXH cho lực lượng sinh viên để họ được trang bị kiến thức BHXH ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
HOÀNG THÔNG