Thứ Tư, 27/11/2024 22:43 CH
Nâng chất cán bộ văn hóa cơ sở
Thứ Tư, 21/03/2012 11:00 SA

Cán bộ văn hóa cơ sở là một trong bảy chức danh cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ cấp xã, góp phần quan trọng trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tuy vậy hiện nay ở Phú Yên, đội ngũ này vẫn còn nhiều bất cập, nhất là ở miền núi…

 

vhcs120321.jpg

Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở - Ảnh: M.M.TÂM

NHỮNG BẤT CẬP

 

Toàn tỉnh hiện có 112 cán bộ văn hóa thuộc các xã, phường, thị trấn, trong đó chưa quá 50% được đào tạo nghiệp vụ quản lý văn hóa và đa số cũng chỉ đạt trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Số còn lại chủ yếu qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do tỉnh, huyện tổ chức và tự học. Cũng có xã mạnh dạn đưa cán bộ văn hóa đi đào tạo ở bậc đại học, nhưng khi tốt nghiệp thì lại chuyển công tác khác. Đáng lo ngại hơn là hầu hết cán bộ văn hóa người đồng bào dân tộc thiểu số chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Tìm hiểu ngân sách hàng năm cho hoạt động văn hóa - thể thao được biết, mỗi xã bố trí theo một cách. Đối với xã, phường, thị trấn vùng đồng bằng thì kinh phí cho hoạt động này nơi thấp nhất cũng trên 30 triệu đồng/năm. An Ninh Tây (huyện Tuy An) là địa phương có mức phân bổ kinh phí cao, từ 60-80 triệu đồng/năm. Các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Ea Lâm (huyện Sông Hinh): 15 triệu đồng, Suối Trai (huyện Sơn Hòa): 8 triệu đồng), Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân): 4 triệu đồng... Nhiều cán bộ văn hóa xã tâm sự, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho cả nghìn dân mà có chừng ấy kinh phí thì chỉ đủ tiền cắt dán khẩu hiệu. K’Pá Y Khương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội xã Suối Trai, cho biết: “Mới đây mình đưa đội bóng chuyền của xã về huyện thi đấu, lo cho vận động viên ăn cơm trưa cũng không đủ tiền”.

 

Trong chuyến khảo sát công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình văn hóa tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), chúng tôi ngỡ ngàng khi được Phó chủ tịch UBND xã Nay Y Bình cho hay cán bộ văn hóa của xã đã tự động bỏ việc, hiện chưa có người thay. Nguyên nhân là do không có bằng cấp nên chỉ được hưởng phụ cấp 830.000 đồng/tháng. Vì vậy anh ta làm việc “bữa đực, bữa cái”, thích thì làm, không thích thì ở nhà. Mỗi khi xã có việc cần phải cử người ra nương rẫy tìm. “Địa phương tạo điều kiện cho “nó” đi học lớp quản lý văn hóa ở tỉnh, nhưng vợ “nó” không đồng ý, đành chịu” Nay Y Bình nói. Còn So Chăm Minh, cán bộ văn hóa xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) nguyên bộ đội xuất ngũ cũng thiếu bằng cấp nên phải bố trí theo cấp phó (những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, theo Quyết định 1110 ngày 10/8/2010 của UBND tỉnh). Nhà anh Minh cách trụ sở UBND xã khoảng 2km, đi, về ngày bốn lượt và thường xuyên về các thôn, buôn công tác, với mức phụ cấp hiện tại 830.000 đồng/tháng thì tiền xăng xe đã “ngốn” hết phân nửa. Anh Minh cho biết thêm, thu nhập chủ yếu của gia đình là nuôi bò và trồng sắn, mía, còn công việc ở xã thì “làm cho vui vậy thôi”…

 

Không riêng gì ở các xã miền núi, tại các địa phương đồng bằng, cán bộ làm công tác văn hóa - xã hội đều có hoàn cảnh tương tự.

 

BỐ TRÍ ĐÚNG NGƯỜI, ĐÚNG VIỆC

 

Vị trí, vai trò của cán bộ văn hóa cơ sở là rất quan trọng. Phần lớn công tác xây dựng gia đình văn hóa; thôn, buôn, khu phố, xã, phường văn hóa; xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của người dân... đều do cán bộ văn hóa cấp xã tổ chức thực hiện. Đây là những hoạt động quan trọng góp phần nuôi dưỡng, tạo sức sống cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hoạt động văn hóa, thông tin cơ sở ở miền núi không chỉ góp phần nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn ngăn chặn việc gieo rắc ấn phẩm văn hóa độc hại, tà đạo xâm nhập trái phép, đẩy lùi tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; đồng thời tạo sự bình đẳng về hưởng thụ và tham gia vào các hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc... Vì vậy, để công tác này mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững, ngoài tiêu chí chọn trình độ học vấn, năng khiếu, sự nhiệt tình và tính năng động của cán bộ, cần thiết nên dùng người “giỏi một việc, biết nhiều việc”; có kỹ năng tuyên truyền miệng, đàn hát, viết vẽ, biết tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT... Không nên bố trí cán bộ theo kiểu chắp vá, hoặc “đẩy” những người không có nghiệp vụ làm văn hóa và chỉ sau một thời gian lại thay đổi vị trí công tác. Có như vậy, mới khắc phục được những bất cập nói trên…

 

MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek