Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, trong 5 năm từ 2006-2010, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ tai nạn lao động, làm chết 19 người, bị thương 11 người, chủ yếu tập trung ở các ngành nghề xây dựng, khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, lao động tại các làng nghề đang có vấn đề về sức khỏe, mắc bệnh hiểm nghèo. Điều này phản ánh một thực tế, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng cao. Để giảm thiểu tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cần có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động cũng như người lao động.
Tai nạn lao động luôn rình rập trên các công trình xây dựng - Ảnh: K.CHI
Đáng lưu ý là trong số 26 vụ tai nạn lao động thì phần lớn là rơi từtrên cao, bị điện giật hoặc bị vật có khối lượng lớn đè lên người... Nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn vẫn là người lao động vi phạm các quy trình, biện pháp bảo hộ an toàn lao động, máy và thiết bị không đảm bảo an toàn hoặc không có quy trình, biện pháp an toàn lao động… Đồng thời, chủ sử dụng lao động chưa quan tâm thỏa đáng tới việc xây dựng và thực hiện quy trình, biện pháp bảo hộ an toàn lao động.
Ông Lê Văn Phổ, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết: Hiện có hàng chục ngàn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra, có hàng chục nghìn lao động của các cơ sở sản xuất nhỏ, HTX và các làng nghề cùng với các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thi công tại các công trình trên địa bàn tỉnh. Qua đợt kiểm tra tại một số đơn vị, có rất nhiều sai phạm cần phải được chấn chỉnh kịp thời, nếu không có thể xảy ra tai nạn lao động bất kỳ lúc nào. Đó là tình trạng doanh nghiệp nổ mìn để khai thác đá nhưng không có biển báo, dây điện hạ thế nằm dưới đường đi, xây dựng công trình không có bảo hộ lao động, không có hành lang an toàn… Theo ông Phổ, công tác thanh kiểm tra và xử phạt nặng cần được tiến hành thường xuyên, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể buộc doanh nghiệp phải tạm ngưng thi công chờ xử lý.
Một vấn đề thường gặp ở các doanh nghiệp hiện nay là điều kiện làm việc của công nhân vẫn chưa được bảo đảm. Ông Nguyễn Duy Linh, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho rằng, vấn đề cần khắc phục tại các doanh nghiệp hiện nay là môi trường làm việc của công nhân (tiếng ồn, khói bụi còn nhiều), cường độ lao động cao, chưa thường xuyên khám chữa bệnh nghề nghiệp, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho người lao động... Hiện các biện pháp xử lý doanh nghiệp vi phạm các quy định về an toàn lao động vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Ông Linh cho biết, để giảm tình hình tai nạn lao động, năm 2012 sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra chuyên sâu về an toàn lao động, nhất là đối với những ngành nghề có tính nguy hiểm, rủi ro cao, như: khai thác mỏ, các công trình xây dựng, sử dụng an toàn điện; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức tập huấn, huấn luyện đảm bảo về ATVSLĐ-PCCN cho chủ doanh nghiệp và người lao động.
Để các doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật lao động, tăng cường công tác an toàn lao động, tránh xảy ra tai nạn lao động, bên cạnh việc phổ biến các chính sách pháp luật lao động cho doanh nghiệp thì ngành chức năng cũng đồng thời xây dựng kế hoạch giám sát chặt chẽ. Thực hiện các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật đối với những doanh nghiệp cố tình không thực hiện Luật Lao động, thi công không đảm bảo an toàn lao động. Mục đích cuối cùng của các biện pháp này nhằm bảo vệ quyền lợi của đôi bên, tránh những tranh chấp lao động, xảy ra tai nạn lao động không đáng có.
HOÀNG LÊ