Thứ Năm, 28/11/2024 02:29 SA
Phòng, chống cúm A/H5N1:
Tăng cường giám sát, đẩy mạnh truyền thông
Thứ Hai, 19/03/2012 14:00 CH

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận bốn trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó có hai trường hợp đã tử vong tại Kiên Giang và Sóc Trăng. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chủng độc lực cúm A/H5N1 rất cao, do vậy số người mắc và số vụ mắc tuy không gia tăng nhưng tỉ lệ tử vong rất cao.

Theo nhận định của Bộ Y tế, hiện nay dịch cúm gia cầm và cúm A/H5N1 đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan truyền và gây bùng phát rất cao ở nước ta.

vit120319.jpg

Gia cầm thả rông khả năng tiếp xúc với tác nhân lây bệnh rất lớn - Ảnh: T.THỦY

DÈ DẶT VỚI CÚM A/H5N1

Người bị cúm A/H5N1 thường có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột (trên 380C), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, tím tái nhanh, mệt mỏi rã rời, tiêu chảy, rối loạn ý thức. Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Dịch bệnh cúm A/H5N1 đã bùng phát và lây lan trên phạm vi cả nước, đặc biệt các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum có dịch và đã công bố dịch. Cùng với sự giao lưu kinh tế, văn hóa, Phú Yên nằm trên tuyến đường sắt Bắc Nam và đường quốc lộ 1 đi qua, nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 rất cao.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện nay phương thức chăn nuôi ở tỉnh chủ yếu theo hộ gia đình là chính; quy mô chăn nuôi, nhất là gà, vịt nhỏ lẻ, phân tán còn duy trì hình thức chăn thả chạy đồng tự do nên việc tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh là rất lớn và khả năng lây lan rất nhanh khi có dịch bệnh xảy ra; con giống đưa vào chăn nuôi không rõ nguồn gốc, chất lượng con giống và tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát; tỉ lệ tiêm phòng cho đàn vịt đạt thấp, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại không được thường xuyên và không đúng quy định; sự hiểu biết của người chăn nuôi và thú y cơ sở về bệnh cúm gia cầm còn hạn chế, chưa thấy được tính chất nguy hiểm của bệnh đối với con người, nên còn chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Ở xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa, các hộ dân đa phần vẫn thả rông gà, vịt xung quanh nhà. Anh N.X.T, ở thôn Mậu Lâm cho biết, từ lâu nay gia đình anh vẫn nuôi gà theo hình thức thả vườn và không tiêm phòng nhưng gà vẫn khỏe mạnh. Anh chỉ đàn gà con đang chíu chít quanh chân mẹ và cho biết đây là đàn gà anh đang gây giống để duy trì số lượng gà nuôi tại nhà mà không phải mua giống từ nơi khác về. Anh trăn trở về dịch cúm A/H5N1 nhưng thấy đàn gà vẫn khỏe mạnh nên vẫn nuôi và ăn thịt. Ông N.T.K, ở thôn Mỹ Trung, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa cho biết, hiện ông nuôi gần 100 con gà; mỗi lứa khoảng 10-15 con. Theo ông, đàn gà được chăm sóc kỹ, thả trong vườn rộng, khu vực chuồng đầy đủ ánh sáng và thường được vệ sinh nên gà rất khỏe, không phải tiêm phòng. Tuy nhiên, nhà chị T. - con gái ông K. ở gần nhà ông lại băn khoăn vì chị chỉ nuôi vài con nhưng chúng cũng chết dần. Với những con chết, chị mang đi chôn và không báo cho cán bộ thú y.

Gia đình anh T.Q.H (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) có nghề nuôi vịt và có hẳn lò ấp trứng quy mô tương đối lớn. Năm 2003, lần đầu tiên cúm A/H5N1 xuất hiện tại Việt Nam, gia đình anh dở khóc, dở cười vì số lượng lớn vịt và trứng không biết tiêu hủy như thế nào, vừa mất của vừa không biết sẽ sống bằng nghề gì thời gian tới. Song, đến nay gia đình anh vẫn duy trì đàn vịt gần 1.000 con và đều đặn cung cấp trứng cho thị trường với niềm tin là trứng vịt đảm bảo an toàn vì đàn vịt giống được chọn kỹ, được tiêm phòng cẩn thận và chăn nuôi trong khu vực gia đình anh quản lý.

ga120319.jpg

Nuôi vịt chạy đồng làm tăng nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm - Ảnh: P.NAM

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

Trước tính chất nguy hiểm của cúm A/H5N1, UBND tỉnh Phú Yên đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương cũng đã tăng cường các công tác truyền thông trong cộng đồng, triển khai tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng; vận động nhân dân tăng cường kiểm soát, chủ động tiêm phòng dịch cho gia cầm. Ngành Y tế Phú Yên cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động chủ động trong công tác phòng, chống cúm A/H5N1 như thiết lập đường dây nóng ghi nhận, báo cáo, giám sát ca bệnh, tăng cường các biện pháp phòng, chống cúm A/H5N1. Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuẩn bị thuốc và các trang thiết bị hồi sức cấp cứu cho công tác phòng, chống cúm. Trong đợt giám sát, kiểm tra nắm bắt tình hình cúm A/H5N1 từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, đoàn kiểm tra của Viện Pasteur Nha Trang đánh giá cao công tác chủ động phòng, chống dịch của địa phương. Đoàn lưu ý vấn đề mà Phú Yên cần quan tâm nhất hiện nay là tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, tiếp tục tăng cường, kiểm tra giám sát, đôn đốc. Các bệnh viện nên chủ động lấy mẫu những trường hợp nhập viện sốt cao nhiều ngày, hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc cúm A/H5N1 để xét nghiệm bệnh phẩm tìm vi rút cúm...

Tỉnh Phú Yên từ trước đến nay chưa phát hiện ca cúm A/H5N1 ở người cũng như dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Theo các chuyên gia dịch tễ thì cúm A/H5N1 hiện vẫn là bệnh rất dễ lây lan thành dịch, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cần những giải pháp dự phòng tích cực. Cách phòng tránh hiệu quả nhất đối với bệnh này, theo khuyến cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong ăn uống: Rửa tay với xà phòng, nước sạch trước khi ăn, trước khi chế biến hoặc nấu ăn, sau khi tiếp xúc gia cầm hoặc trứng gia cầm, khi đi vệ sinh; che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng tay khi ho, hắt hơi, sau đó rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang khi tiếp xúc gia cầm sống và khi giết mổ gia cầm; không sử dụng thịt, sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh hoặc chết; chỉ ăn thịt và sản phẩm từ gia cầm đã được kiểm dịch, có nguồn gốc tin cậy; dùng dao, thớt riêng khi thái thịt sống và thịt chín; không ăn thịt chưa chín, trứng sống, trứng lòng đào, tiết canh; rửa vỏ trứng bằng nước sạch trước khi nấu và sau đó rửa tay bằng xà phòng…

Về phía người chăn nuôi, cần chủ động trong phòng bệnh cho đàn; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, làm sạch môi trường; chuồng trại che chắn đảm bảo; ứng dụng tốt mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để có những biện pháp hữu hiệu áp dụng vào thực tế chăn nuôi, làm giảm thấp nhất mức tổn thất, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các ngành liên quan tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân tự biết cách phòng ngừa là chính; tự giác tiêm phòng cho gia súc, biết tự kiểm soát, giám sát đàn gia cầm của gia đình đồng thời quản lý các nguồn giống như vịt cỏ, vịt siêu trứng; xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học… Những quan ngại về nguy cơ sẽ có một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm mới đặc biệt nguy hiểm trên phạm vi rộng vẫn luôn là cảnh báo để các địa phương cần thực hiện quyết liệt trong phòng, chống dịch cúm A/H5N1.

NGUYÊN NHẠN - TẤN VĂN

(Trung tâm Truyền thông GDSK Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek