Dự án “Phát hiện sớm - Can thiệp sớm” trẻ khuyết tật của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam được triển khai ở Phú Yên trong thời gian qua đã phát huy được hiệu quả và mang lại niềm vui, niềm tin cho những người có con em bị khuyết tật.
Cô giáo Trần Thị Lựu hướng dẫn em Thiên vượt chướng ngại vật - Ảnh: T.HOÀNG
NHỮNG LỚP HỌC ĐẶC BIỆT
Hơn 3 năm qua, Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa) có 3 lớp học dành cho trẻ khuyết tật thuộc dự án Phát hiện sớm - Can thiệp sớm của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam. Đến với lớp Hoa Mai – lớp dành riêng cho trẻ tự kỷ, tôi thấy 2 cô giáo đang tận tình chỉ bảo 7 trẻ đang theo học. Cô giáo Trần Thị Lựu đang hướng dẫn từng em bước qua các chướng ngại vật. Nhìn cậu bé trắng trẻo, xinh xắn tuân theo mọi sự chỉ dẫn của cô giáo, không ai nghĩ rằng công việc tưởng chừng đơn giản ấy là cả một quá trình khổ luyện. Cách đây 3 năm, khi mới vào nhập học, Tô Thuận Thiên là một học sinh thuộc dạng “tăng động” với các biểu hiện quậy phá, la hét theo ý thích và bất hợp tác. Vậy mà bây giờ Thiên đã ngoan ngoãn vâng lời theo khẩu lệnh của cô giáo.
Ngược lại với trường hợp “tăng động” của Thiên, em Nguyễn Thị Hồng Liên lại thuộc nhóm “giảm động” với biểu hiện khép kín, thường ngồi một mình, không giao tiếp với ai, nhìn ai,… Để cải thiện tình trạng các em, cô giáo dạy những hoạt động, kỹ năng khác nhau như: vận động thô là bước qua các chướng ngại vật, chui qua cổng, đi thăng bằng trên ghế; vận động tinh như: chào hỏi, nhận biết con vật,… Cô Lựu bảo: “Các em học ở đây phải theo học liên tục và gia đình phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của giáo viên thì việc điều trị và giáo dục mới hiệu quả. Chẳng hạn trường hợp em Lập, thời gian gần đây có xu hướng nặng hơn là do gia đình quá nuông chiều!”.
Ở lớp Hoa Hồng dành cho trẻ chậm phát triển có cả thảy 6 em đang theo học. Hoàn cảnh, chuyện học của mỗi em ở đây lắm nỗi niềm. Em Đinh Hoàng Minh Thư, nhà ở tận xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa. Cha đi biển quanh năm, mẹ làm nông. Hàng ngày, mẹ Thư phải vật lộn với việc đưa Thư đi học vì ngồi trên xe máy, Thư thường hay la hét, nhảy dựng nên việc đưa được Thư đến trường rất vất vả. Vì nhà xa, gia đình khó khăn, mẹ Thư đã bỏ cuộc không thể đưa con theo học đến cùng. Trường hợp em Ngô Tú Uyên - 5 tuổi, nhà ở phường 4, TP Tuy Hòa thì lại khác. Ngày mới vào lớp, Uyên hay cắn bạn, không nề nếp và bất hợp tác với cô giáo. Vào nhập học được hơn một năm, tình trạng bệnh của Uyên dần được cải thiện. Đến đón con đi học về, mẹ Uyên tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi rất buồn về bệnh tình của cháu. Cũng nhờ có chương trình này mà tâm tính, nhận thức của con tôi ngày càng tiến triển tốt”.
“Thưa cô đi con” – mẹ Uyên bảo. “Con chào cô ạ!” câu nói tiễn biệt ra về chưa rõ tiếng của Uyên như củng cố thêm lòng tin cho mẹ về sự tiến bộ của con mình.
THẮP SÁNG HY VỌNG CHO TRẺ KHUYẾT TẬT
Từ tháng 7/2008, Chương trình dự án Phát hiện sớm - Can thiệp sớm của Ủy ban Y tế Hà Lan được triển khai tại Phú Yên. Tính đến nay, tổng kinh phí dự án đầu tư cho chương trình khoảng 500 triệu đồng, bao gồm chủ yếu là hỗ trợ nâng cao năng lực của tổ chức hệ thống, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên làm công tác phát hiện sớm - can thiệp sớm, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ khuyết tật.
Cô Lê Thị Thu Hồng, giáo viên Trường Niềm Vui tâm sự: “Trước đây, giáo viên của trường chỉ dạy được đối tượng trẻ khiếm thính ở lứa tuổi tiểu học trở lên thì nay mở rộng sang nhiều đối tượng khác như tự kỷ, chậm phát triển,… ngay từ bậc mầm non. Qua những buổi tập huấn, chúng tôi được chia sẻ kinh nghiệm về công tác phát hiện sớm – can thiệp sớm, từ đó giúp cho công tác nuôi dạy các em được tốt hơn, hiệu quả hơn”.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Phú Yên, sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật được dự án Phát hiện sớm - Can thiệp sớm của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam tiến hành đã đạt hiệu quả cao và nhận được sự hưởng ứng đồng tình của phụ huynh học sinh. Từ sự hỗ trợ của chương trình, 3 đơn vị: Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa) và 2 trường mầm non vệ tinh là Hòa Quang Nam, Hòa An (huyện Phú Hòa) đã huy động được 36 trẻ khuyết tật ra lớp. Ngoài ra, nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, 10 học sinh bị khuyết tật các loại như tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, chậm ngôn ngữ,… ở các trường mầm non trên địa bàn TP Tuy Hòa được gia đình đưa đến Trường Niềm Vui hàng ngày để được giáo viên tư vấn, sàng lọc, phát hiện và tác động kịp thời, giúp trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng.
Đánh giá về tác động của chương trình, bà Trần Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT Phú Yên, Thư ký Ban điều hành chương trình Phát hiện sớm - Can thiệp sớm trẻ khuyết tật tỉnh Phú Yên cho biết: “Từ khi chương trình được triển khai, cái được lớn nhất của chương trình là năng lực của giáo viên giảng dạy cho đối tượng trẻ khuyết tật được nâng lên rõ rệt. Theo dự kiến ban đầu thì chương trình kết thúc vào cuối năm 2011 nhưng nhà tài trợ nhận thấy chương trình triển khai đạt hiệu quả nên đã quyết định kéo dài chương trình đến hết năm 2012 và những năm kế tiếp”.
THANH HOÀNG