Thứ Năm, 28/11/2024 17:42 CH
Chung tay phòng, chống nạn đuối nước
Thứ Ba, 06/03/2012 14:00 CH

Hàng loạt vụ học sinh chết đuối xảy ra gần đây khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng. Ngành chức năng khuyến cáo gia đình cẩn trọng trông nom các em, rèn luyện kỹ năng sơ cứu, đồng thời cho các em học bơi.

 

tam120306.jpg

Cần dạy trẻ học bơi để tránh đuối nước - Ảnh: K.CHI

NHỮNG CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM

 

Mấy ngày gần đây, các trường học trong tỉnh và phụ huynh đều xôn xao về các trường hợp học sinh bị đuối nước dẫn đến tử vong. Gần đây nhất là trường hợp bị chết đuối của các em Thảo, Nhi, Phượng học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa) bên bờ sông Ba thuộc thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng. Ông Phan Duy Hoàng sống ở khu vực này cho biết, nghe tiếng kêu cứu, đã hô hoán nhiều người chạy đến giúp sức, nhưng cũng chỉ cứu được 2 em, 3 em còn lại đều đã tắt thở do bị chìm dưới nước ở độ sâu hơn 5m. Trước đó, ngày 28/2, em Bùi Tấn Hoàng, học sinh lớp 5B Trường tiểu học số 1 Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) cùng một nhóm bạn rủ nhau tắm biển tại khu vực thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung không may bị sóng biển cuốn trôi và tử vong.

 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 20 vụ tai nạn do đuối nước, nạn nhân chủ yếu là trẻ dưới 15 tuổi. Thời điểm xảy ra các vụ tai nạn thường là mùa hè. Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp, ngành và gia đình, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của các gia đình để con em chơi tự do, thiếu sự theo dõi. Bên cạnh đó, nhiều em trốn gia đình tìm đến các bãi sông, suối để học bơi... Điều đáng quan tâm ở đây là hầu hết các em không biết bơi và đi bơi không có người lớn đi kèm, không có bất kỳ phương tiện cứu hộ nào. Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên nói: Ở nông thôn, nghỉ hè, các em thường rủ nhau đi mò cua, bắt ốc… và nhất là hay rủ nhau đi tắm sông, ao, hồ,... Ngay cả địa điểm năm nào cũng có trẻ chết đuối nhưng các em vẫn rủ nhau đến đó đùa nghịch và bơi. Phần lớn trẻ chết đuối vào mùa hè và đều chưa được dạy bơi.

 

CÁC KHUYẾN CÁO BẢO VỆ TRẺ EM KHỎI ĐUỐI NƯỚC

 

Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), hầu hết trẻ em bị đuối nước là do công tác tuyên truyền phòng ngừa ở nhiều địa phương gần như bị bỏ quên. Nguyên nhân khác nguy hiểm hơn, là do môi trường sinh thái mất an toàn và cuối cùng là thiếu chế tài xử lý những vi phạm liên quan bảo vệ chăm sóc trẻ em. Cũng theo cơ quan này, có rất nhiều biện pháp có thể ngăn ngừa tình trạng chết đuối ở trẻ em, trong đó tuyên truyền cho các bậc cha mẹ và các em tự bảo vệ bản thân vẫn là quan trọng nhất. Một biện pháp khác cũng rất quan trọng, đó là vận động các gia đình cho các em tham gia học bơi để tự bảo vệ mình.

 

Hàng năm, chuẩn bị bước vào mùa hè, Bộ LĐ-TB-XH đều phối hợp với tổ chức UNICEF tại Việt Nam tổ chức lễ phát động chương trình phòng chống đuối nước ở trẻ em với mục tiêu giảm số trẻ tử vong do đuối nước, đặc biệt trong những tháng nghỉ hè. Chiến dịch khởi động với nhiều hoạt động tuyên truyền phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống đuối nước, đồng thời huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng trong phòng chống đuối nước trẻ em.

 

Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng đưa ra tám khuyến cáo để các bậc phụ huynh phòng tránh chết đuối cho con em mình như: Không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm; nên rào quanh ao, hố nước, hố sâu, hố vôi để tránh các em khi chơi đùa bị ngã, rơi xuống; nên lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng; làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước, chum vại; nên có người lớn đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, nhất là khi phải đi qua suối, sông; mặc áo phao cho trẻ khi đi thuyền; nên tập bơi cho trẻ; cần sơ cứu trẻ khi bị đuối nước theo cách: Để trẻ nằm ngửa, đầu nghiêng một bên; Làm sạch và thông đường thở bằng cách móc, hút hết bùn đất trong miệng, mũi của trẻ, móc họng cho nôn hoặc ép lồng ngực và bụng cho trẻ trào nước ra; Nếu trẻ ngưng thở, tiến hành hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt ngay lập tức và kiên trì nhiều lần: Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, ép 100 lần/1 phút, tần suất ép tim 15 lần kết hợp hai lần thổi ngạt. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo được hai tiếng mà không thấy trẻ phục hồi. Khi tỉnh lại, trẻ sẽ nôn ra nước, do vậy phải để trẻ ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai trẻ, nới rộng quần áo, phòng cho trẻ không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn của chính mình. Giữ ấm cho trẻ và chuyển trẻ đến cơ sở y tế sau khi được sơ cứu và phục hồi.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek