Thứ Tư, 09/10/2024 18:16 CH
Chấm dứt tình trạng học sinh đi xe máy đến trường:
Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Thứ Hai, 05/03/2012 18:00 CH

Tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy đến trường đang là nỗi lo của toàn xã hội. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân các em mà có thể gây nguy hiểm cho người khác.

 

xe-may120305.jpg

Tình trạng học sinh điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, kéo theo xe đạp khá phổ biến ở một số trường học trên địa bàn tỉnh - Ảnh: H.NHƯ

VẤN NẠN HỌC SINH ĐIỀU KHIỂN XE MÁY

 

Gần đây, tình trạng học sinh điều khiển xe máy đến trường trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp. Nếu trước đây tình trạng này chỉ tập trung nhiều ở các trường trên địa bàn TP Tuy Hòa thì nay đã phổ biến ở các trường huyện. Không chỉ học sinh cấp 3 mà ngay cả học sinh cấp 2 cũng điều khiển xe máy đến trường. Đủ các loại xe máy từ 50CC đến các loại xe phân khối lớn được các em sử dụng làm phương tiện đi học hàng ngày. Đa số các em này đều là con của những gia đình có kinh tế khá giả. Các em không chỉ điều khiển xe vượt tốc độ cho phép mà có rất nhiều trường hợp lái xe lạng lách, chở ba rất dễ xảy ra tai nạn. Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại vụ tai nạn thảm khốc tại thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa xảy ra ngày 31/10/2010 thì ai cũng thấy đau lòng. Vào thời điểm trên, ba học sinh của Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa) cùng đi trên một chiếc xe máy chạy từ xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) đến xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) với tốc độ nhanh, khi đến khúc cua không làm chủ tay lái nên tông vào hàng rào nhà dân khiến cả ba em đều thiệt mạng.

 

Một điều ai cũng biết là việc học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy vừa vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vừa vi phạm quy định chung của nhà trường và đặc biệt là tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho chính bản thân các em. Chị Đặng Thị Thủy ở huyện Đông Hòa cho biết: “Dù biết cho con đi học bằng xe máy là không nên nhưng thấy cảnh con phải đi xe đạp hàng chục cây số đến trường thì lại không đành. Nay cháu học lớp 12 nên cần phải “tăng tốc”, đi học thêm nhiều hơn. Nếu cháu đi xe đạp thì sức đâu mà chịu nổi. Vợ chồng tôi đều đi làm, không có thời gian đưa đón con nên đành cho cháu tự đi xe máy và nhắc nhở con chạy xe cẩn thận hơn”.

 

CẦN SỰ PHỐI HỢP TỪ NHIỀU PHÍA

 

Học sinh điều khiển xe máy là nỗi lo của toàn xã hội. Để ngăn chặn tình trạng này không chỉ có trách nhiệm giáo dục của nhà trường mà cần sự phối hợp của cả gia đình, lực lượng công an, chính quyền địa phương... Thầy Lê Đức Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) cho biết “Trước đây, nhà trường chỉ có quy định cấm học sinh đi xe máy có phân khối lớn (trên 50CC) đến trường, nhưng khi Cảnh sát giao thông về phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh thì cấm hẳn việc đi xe dưới 50CC. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã làm việc với Hội cha mẹ học sinh quán triệt việc không cho con em mình dùng xe máy đi học nhưng thực tế thì rất khó thực hiện. Biện pháp duy nhất là nhà trường thường xuyên vận động, nhắc nhở các em thực hiện theo đúng nội quy”.

 

Điều đáng nói là khi nhà trường nghiêm cấm không cho học sinh đi xe máy và gởi trong trường thì rất nhiều dịch vụ giữ xe của các gia đình lại đua nhau mọc lên gần trường. Mỗi giờ tan trường là các bãi giữ xe này lại tấp tập các “cô chiêu, cậu ấm” đến lấy xe máy ung dung lái xe về nhà. Hiện nay chưa có luật nào cấm các hộ gia đình giữ xe nên nhiều người lợi dụng sơ hở này để giữ xe cho học sinh.

 

Đại tá Nguyễn Hữu Bình, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh cho biết: “Theo Luật Giao thông đường bộ, khi lực lượng tuần tra phát hiện thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe mà điều khiển xe máy (cả dưới hay trên 50CC) đều bị xử phạt bằng hình thức tạm giữ xe 10 ngày, phạt 160.000 đồng và thông báo về cho nhà trường, địa phương. Trong thời gian qua, lực lượng tuần tra, kiểm soát đã phát hiện rất nhiều trường hợp học sinh đi xe máy đến trường, đặc biệt là trong khu vực nội thành. Chúng tôi kiên quyết xử lý các trường hợp này, vừa là giữ gìn kỷ cương của pháp luật, vừa tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”.

 

Học sinh đi xe máy bắt nguồn từ việc quản lý không chặt và sự nuông chiều của gia đình. Dù có rất nhiều yếu tố tác động nhưng phải nói gia đình là yếu tố quan trọng nhất. Theo ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, mỗi năm Sở GD-ĐT đều có văn bản chỉ đạo các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh cấm học sinh đi xe máy tới trường. Nếu nhà trường phát hiện em nào vi phạm sẽ hạ bậc đạo đức hoặc đình chỉ học từ một đến hai tuần theo quy chế. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp nhất thời, chúng ta cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương, lực lượng công an giao thông để cùng nhau giải quyết “vấn nạn” này.

 

HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek